Kinh nghiệm đi du lịch Cần Thơ – Sa Đéc 2 ngày 1 đêm

Vừa qua gia đình mình đã trải qua một trải nghiệm thú vị, tràn ngập những điều mới lạ cũng như tiếng cười ở miền Tây. Sau đây mình xin chia sẻ Kinh nghiệm đi du lịch Cần Thơ – Sa Đéc 2 ngày 1 đêm cho gia đình có 2 em bé nhỏ, một 3,5 tuổi và một 9,5 tháng tuổi, có xe ô tô riêng 4 chỗ tự lái. Dịp mình đi áp thấp nhiệt đới nên trời không nắng, lạnh lạnh nên cũng rất dễ chịu.

Table of Contents

Lịch trình

Ngày 1:

6:00 – 10:00: Lái xe từ HCM – Cần Thơ, trên đường ngắm cảnh đẹp miền tây với những cánh đồng lúa, khu vườn cây trái, vừơn dừa, sông, kênh rạch, đặc biệt là 2 cây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ. Cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam, thời mình còn nhỏ khi cầu khánh thành nhiều đoàn nườm nượp thuê xe du lịch đến chỉ để tham quan, chụp hình. Nhưng vì nhiều lí do mà đến nay mình mới có dịp đi qua, cảm giác rất đặc biệt. Bé lớn nhà mình rất thích dây văng cũng như con sông khi đi ngang qua cầu.

10:00 – 11:00: Đến Cần Thơ lượn xe một vòng bến Ninh Kiều và các khách sạn xung quanh. Bến Ninh Kiều ban ngày lồng lộng gió, ngồi trong xe nhìn ra sông nước mênh mông, ghe thuyền thật thích. Đi ngang thấy có bảng “Chợ Đêm Ninh Kiều” nhưng đường trống, chắc tối mới bán. Khách sạn đối diện bến Ninh Kiều view đẹp giá cao, có cái lên đến 2,5 triệu, giảm giá thì cũng 700k. Mình chọn khách sạn Tây Đô tại 61 Châu Văn Liêm, đi bộ 5 phút ra đến bến Ninh Kiều, đỗ ô tô trên đường và bảo vệ trông 24/24, giá trên Agoda 430k phòng Twin 2 giường. Đến khách sạn gửi đồ, rửa mặt rửa tay cho cả gia đình, cho em bé 9,5 tháng ăn bánh ăn dặm, uống nước, bé lớn thì chạy loanh quanh ngắm hồ cá rồng.

11:00 – 13:00:

Đi dạo từ khách sạn ra công viên Lưu Hữu Phước, khoảng cách chưa đến 1 km. Đi ngang bệnh viện đa khoa Tiền Giang, cũng là bệnh viện lớn và siêu thị Nguyễn Kim, thấy cũng lớn không thua kém Sài Gòn. Công viên Lưu Hữu Phước rộng, cây xanh vừa phải không nhiều, có phần sân lát gạch rất rộng. Điểm nhấn là tượng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cầm cây đàn. Còn lại là máy tập chạy bộ, các dụng cụ tập thể dục ngoài trời khác. Bé lớn rất thích tượng 2 con hươu cao cổ.

Hết công viên Lưu Hữu Phước quẹo trái thì đến quán Bánh Bèo Lê Lai nổi tiếng tại số 3 Lê Lai. Khách ăn khá đông nhưng phục vụ nhanh vì hầu như đồ ăn để sẵn vào đĩa, khách gọi là đem ra luôn. Thực đơn gồm có bánh bèo, bánh tầm, bánh mặn, bánh chuối, bánh bò, bì cuốn, gỏi cuốn, gỏi đu đủ, ya ua, sâm lạnh, rễ tranh. Mình gọi bánh bèo 12k và bánh tầm 18k. Bánh bèo có khoảng hơn 10 bánh bèo làm bằng bột gạo, lớn hơn hoa mai một tí, không mỏng không dày lắm, mềm nhưng dai. Ở trên có bánh mì giòn, bì sợi, thịt, dưa leo, dưa chua cà rốt cắt sợi, có chang nước cốt dừa béo làm cho bánh bèo miền Tây khác bánh bèo ở các miền khác. Nước mắm mặn ngọt để trong hủ, ớt để riêng trong hộp gia vị, khách tự chan nước mắm và thêm ớt. Theo cảm nhận của mình thì dân dã mà rất rất ngon. Chồng mình cũng thích món này, anh ấy rất ít khi khen đồ ăn 🙂 Bánh tằm thì gồm có sợi bánh tầm làm bằng nguyên liệu chính là bột gạo, cũng mềm nhưng dai, to bằng sợi bún bò huế, bì sợi, thịt, dưa leo, dưa chua cà rốt cắt sợi, có chang nước cốt dừa béo, nước mắm chang riêng, khi ăn trộn lại cho đều. Món bánh tằm này lạ, ngon, nên thử.

Bánh bèo

Bánh tằm

Bánh tằm sau khi trộn

Đi thẳng đường Lê Lai qua con hẻm đối diện tầm 5 phút đi bộ và tìm được quán Bánh Cống Cô Út, 86/38 Lý Tự Trọng nức tiếng gần xa. Quán cũng rộng, mới vào ấn tượng với quầy chế biến bánh. Một người cho bột và tôm vào cống để chiên lần 1, một người cạy bánh từ cái cống ra khỏi cái cống, một người phết hỗn hợp màu trắng ở bênh ngoài bánh, một người đứng chiên bánh lại lần 2 sau khi phết. Cả không gian thơm lừng mùi bánh, mình ngó sơ thấy cái bánh to bằng bánh cupcake. Lần đầu ăn bánh cống sau khi tìm hiểu và viết về ẩm thực Cần Thơ nên rất mong đợi được ăn. Mình thấy anh kia đi một mình gọi 2 cái, vậy là mình gọi 3 cái cho cả gia đình. Bánh cống bưng lên nóng hổi, khi ăn hết vẫn còn nóng nha, khi bẻ bánh ra thấy còn bốc khói nữa. Mình thử một miếng trước, vỏ bánh giòn tan, tôm ở trên mặt bánh cũng giòn, bên trong thịt mềm, đậu xanh bùi béo, bột mềm và xốp. Dùng rau xà lách hoặc cải bẹ xanh cuốn với các loại rau sống khác chấm với nước mắm mặn ngọt pha vừa miệng nha, có thêm củ cải trắng và củ cà rốt chua ngọt. Các bàn kế bên có gọi thêm bún cuốn chung nhưng mình muốn thưởng thức trọn vị bánh cống và cũng no vừa vừa từ bên quán bánh bèo, không gọi bún.

Một phần bánh cống đủ rau nước mắm dưa chua

Bên trong bánh cống hấp dẫn với đậu xanh, thịt heo, bên trên có con tôm và vỏ bánh giòn tan, nóng hổi

13:00 – 16:00: vì thấy có em bé và có phòng sẵn nên khách sạn cho check in sớm, pha bột cho em bé nhỏ ăn, cho bé nhỏ ngủ và cả gia đình nghỉ ngơi, tắm rửa cả gia đình, sắp xếp đồ đạc.

16:00 – 20:30: Đi dạo bến Ninh Kiều và chợ đêm. Buổi chiều gió mát, dân địa phương và khách du lịch, có cả nước ngoài đi dạo tạo nên không khí đông vui. Ngoài sông nhiều thuyền bè neo đậu, có nhiều người dân cắm cần câu cá, trẻ em chạy nhảy ở công viên dọc bờ sông, nhiều người ngồi trên ghế đá thư giãn, ngắm cảnh, tán chuyện. Tượng bác hồto là khu tập trung nhiều người. Dọc bên đường có nhiều tiệm bán quần áo dân tộc, đồ lưu niệm, quán ăn, cafe, khách sạn. Khi màn đêm buông xuống, bến Ninh Kiều dường như thay áo mới, từ một cô gái dịu dàng chân quê bỗng thành cô gái đỏng đảnh rực rỡ sắc màu. Toàn khu lung linh bởi ánh đèn điện màu từ các tòa nhà như khách sạn nhà hàng trên đường phố, tàu nhà hàng trên sông, đặc biệt là cây cầu đi bộ có đài hoa sen, con rồng trên sông, lồng đèn treo ven sông. Người đổ về càng đông, quán xá mở nhạc, người người chụp ảnh tạo nên không khí nhộn nhịp. Chợ đêm Ninh Kiều có bán quần áo, đồ lưu niệm, phụ kiện, người mua cũng ít. Bên đường khu ẩm thực mới thực sự đông vui, người bán kẻ mua, mùi thức ăn thơm phức. Thức ăn thì thấy có rất nhiều quầy đồ nướng, chủ yếu xiên que (xúc xích, bò viên, bạch tuột…), mội vài quầy xiên que chiên, sau khi chọn thì người bán sẽ chiên cho khách, bánh tráng trộn, chè và gỉai khát đủ các loại, có món kem cuộn khá thú vị. Khách nước ngoài tập trung ở quầy đồ nướng, vừa ăn vừa nói chuyện, họ cũng đứng xem làm kem cuộn. Vì có em bé nhỏ buồn ngủ nên nhà mình về sớm không ăn ở khu ẩm thực, lần sau sẽ thử. Hãy đến bến Ninh Kiều, hoài cổ về một trong những bến cảng nhộn nhịp nhất miền Tây, thưởng thức vẻ đẹp hiền hòa mà rực rỡ, hòa mình vào không khí nhộn nhịp nơi đây khi màn đêm buông xuống.

Nhà hàng trên tàu sang chảnh

Đường đi bộ có đài hoa sen rực rỡ

Chợ đêm Ninh Kiều lung linh

Ở bến có nhiều người, phần lớn dân địa phương tự bán tự lái, chào mời đi tàu từ Ninh Kiều ra thăm chợ nổi, giá 350k đi trong 2-3 tiếng, nếu kết hợp chợ Phong Điền, vườn hủ tiếu thì 550k.

20:30: cho em bé đi ngủ, mình tra cứu thông tin, dọn dẹp phòng ốc.

Ngày 2:

6:00 – 8:00:

Lái xe đến chợ An Bình cách bến Ninh Kiều khoảng 6km. Ở đó có bãi đỗ xe ô tô miễn phí, có bảo vệ trông xe, vào bên trong có bán vé 150k tàu 12 chỗ tham quan chợ, đi khoảng dưới 1 tiếng, có áo phao nên khá yên tâm hơn mấy chỗ cho thuê tàu ghe tự phát. Mình chọn cách này vì không muốn con đi lâu trên sông từ bến Ninh Kiều. Bé lớn rất thích khi mặc áo phao.

Cảm giác thật tuyệt vời khi đi tham quan chợ nổi, ngồi trên tàu bập bềnh sóng vỗ, luồn lách giữa những con tàu, chiếc ghe của chợ nổi, của du khách và cảm nhận được một nét văn hóa lâu đời của con người miền tây, mà bỏ qua nó thì coi như chưa đến Cần Thơ. Âm thanh của máy tàu, tiếng người í ới, tiếng sóng rất sống động. Toàn cảnh chợ nổi y như một bức tranh rất mộc mạc, rất quê. Mõi tàu, ghe chất đầy hàng hóa, có một cây sào cao, để cho biết món hàng mà tàu ghe đó bán, người ta gọi là cây bẹo. Mình thấy có khóm, khoai các loại, bí đỏ, vú sữa, sầu riêng, và nhiều loại khác nữa. Có mấy ghe bán đồ ăn, nồi nước súp bốc khói nghi ngút bồng bềnh trên ghe mà không bị đổ khi sóng mạnh gây ấn tượng mạnh với mình. Mấy ghe bán nước giải khát, dừa, cafe, nước ngọt áp sát vào ghe và hỏi có uống không. Bé lớn reo hò chỉ vào các ghe và các sản vật trên sông rất phấn khích mặc dù ban đầu hơi sợ áo phao và tàu.

Ghe giải khát áp sát vào mời khách uống nước

Ghe bánh mì

Cây bẹo

Cảnh buốn bán trên chợ

Lên bờ thì dạo vòng chợ An Bình, thấy bán đầy đủ hết. Mình thích các loại trái cây, rau củ tươi, hàng khô, và quầy ăn uống ven sông cũng khá nhiều và hấp dẫn.

Cổng chợ An Bình

Đủ loại trái cây, rau củ bán ở chợ

8:00 – 10:00: ăn sáng miễn phí ở khách sạn, mình ăn hủ tiếu hải sản và chồng mình gọi bánh canh thập cẩm, cũng sạch sẽ và nhân viên lịch sự, nhưng không ngon xuất sắc. Lên phòng nghỉ, cho bé nhỏ ăn bột và ngủ một giấc.

10:00 – 11:30:

Đi thăm nhà cổ Bình Thủy, cách bến Ninh Kiều 7 km, có một bãi đỗ xe thu phí 20k cho xe 4 chỗ, đi bộ 100m vào nhà cổ. Vì mình là người lãng mạn nên xiêu lòng ngày trước vẻ đẹp yêu kiều của nhà cổ, đặc biệt là hai hành lang ngoài nhà cũng như khu vườn xinh đẹp khá rộng bên ngoài. Đi dạo bên ngoài vườn cho cảm giác thư thái, hòa mình vào thiên nhiên. Các loài hoa màu sắc, các cây cảnh xanh tốt. Có ngôi nhà nhỏ để ngồi nghỉ, một ngôi miếu, một hồ nhỏ, một hồ lớn với hòn non bộ cũng lớn lớn. Cổng vào nhà cổ cũng đẹp nữa nha. Vào tham quan trong nhà phải bỏ dép, có thu phí 15k/người đưa cho một cô là đời thứ 6 của gia đình, cô ra đứng tiếp khách, có gì thắc mắc hỏi cô đều tận tình trả lời. Trong nhà chủ yếu là gỗ từ cột đến cây k èo, bàn ghế, bàn thờ, tủ, giường. Mình đặc biệt chú ý lavabô bằng sứ có họa tiết tinh xảo và đèn chùm hiện đại thể hiện rõ nét sự kết hợp kiến trúc phương Tây vào kiến trúc phương Đông trong ngôi nhà kiểu ba gian. Mở rèm đi ra gian phía sau là bàn ăn gỗ to, nhiều ghế dành cho đại gia đình. Phía sau nữa là một dãy nhà con cháu đời sau đang sinh sống, chăm sóc nhà cổ. Thông tin sâu về nhà cổ các bạn tìm hiểu nhé, rất hay nhưng mình không nói ở đây vì sợ dài dòng.

Kiến trúc xinh đẹp của nhà cổ Bình Thủy

Đèn chùm hiện đại trong nhà cổ thể hiện sự kết hợp kiến trúc phương Tây trong thiết kế

Bộ bàn ghế gỗ

Bồn rửa mặt

Bộ bàn ăn lớn

Hồ nước nhỏ

Hòn non bộ

Ghé quán Nem nướng Thanh Vân, 17 Đại Lộ Hòa Bình ăn nem nướng nức tiếng. Quả không hổ danh vì nem ngon xuất sắc nha, bánh tráng mỏng mềm dẻo cuốn rau sống, dưa leo, chuối sống bùi bùi, khóm chua ngọt, bánh hỏi ngon mềm xốp, rau chua bắp non, củ cải, củ kiệu, chấm nước chấm gia truyền. Không có gì để diễn tả. Quán rất đông người làm, khách địa phương cũng vào ăn, có bánh tằm và bún chả giò nhưng mình còn no nên không kêu.

Một phần nem nướng hấp dẫn, nhìn là muốn ăn ngay

11:30: về khách sạn nghỉ và dọn dẹp trả phòng lúc 12:00.

12:00 – 14:00: lái xe từ khách sạn đến Sa Đéc 50km nhưng đi chậm vì có đoạn đường nhỏ chỉ có một làn xe lớn.

14:00 – 15:30:

Lái xe thăm làng hoa Sa Đéc, có bảng chỉ dẫn trên đường nên cũng dễ tìm. Mặc dù đã xem ảnh trên mạng nhưng cũng khá là bất ngờ về độ rộng của làng hoa. Khi lái xe qua cổng, đập vào mắt nhìn là hai bên cây và hoa đủ màu sắc, đủ chủng loại. Nghe nói là có khoảng 2000 hộ trồng hoa, một bên đường có con mương chạy dọc, người dân bắc cầu nhỏ nhỏ để vào nhà cũng như người mua hoa vào mua hoa. Thấy người trồng hoa đang làm các công đoạn khiêng chậu, vô đất, trông cây, gieo hạt luôn nha. Các cây và hoa đều trồng trên giàn, giàn được xây bằng chân gạch, tre làm giàn ở trên. Đường cũng nhỏ, xe ô tô dừng lại cũng khó nên chồng mình chạy chậm để ngắm. Bé lớn là con gái rất thích hoa nên cứ gọi là mê. Trên đường thấy rất nhiều người mua hoa, chất đầy xe, cả xe máy lẫn ô tô. Chắc là Tết sẽ xuống đây mua hoa chở về. Cuối đường mình có dừng xe đứng nghỉ và ngắm cảnh, không khí trong trẻo và thơm thoảng mùi cây hoa rất thoải mái.

Con mương nhỏ nhỏ và hoa cùng những mái nhà thấp thoáng

Trên đường quay về ghé quán Hủ tiếu Bà Năm, 50 Nguyễn Tất Thành, cũng gần làng hoa, nghe đồn là mấy chục năm truyền thống ăn hủ tiếu. Mình gọi 2 phần Hủ tiếu khô thập cẩm 55k/phần, theo cá nhân là ngon ngon ngon. Dĩa hủ tiếu dai vừa vừa, có gan, phèo, thịt heo cắt vừa ăn trộn nước sốt nâu nâu, theo mình hơi ngọt nên có thêm chút nước tương, nước súp đậm đà cực kỳ với 2 cục xương thịt to, hành lá và tiêu thơm. Rau, chanh, ớt bà năm để trong tủ mát, có khách mới lấy ra nên tươi ngon cực kỳ. Ăn xong bà bưng cho một ly trà gừng đá lạnh rất hợp với hủ tiếu. Quán chỉ có mình bà Năm bán, ít khách, không gian sạch sẽ. Mình có mua một túi hủ tiếu khô, bao bì đẹp, nhìn lọn hủ tiếu quấn tròn khéo, về nấu ăn rất ngon 60k/900gram.

Hủ tiếu khô Bà Năm, có thêm tô nước lèo đậm đà mà đầy thịt, rau tươi lắm nha

Định ghé quán hủ tiếu bà Sẩm nghe đồn 6k-12k gì đó ở ven đường, tô chỉ có hủ tiếu và vài lát thịt mà ai cũng review ngon 10 điểm, phải chờ 10 phút mới có chỗ ăn nhưng thấy thương 2 con phải chờ lâu nên thôi.

15:30 – 4:00: lái xe đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, 255A Nguyễn Huệ, so với nhà cổ Bình Thủy, nhà này nhỏ hơn, vé 20k/người, đậu xe hơi trong sân luôn vì phía trước nhà là đường nhỏ đi vào chợ, đối diện sông. Trong nhà có hình ông bà Huỳnh Thủy Lê và phim Người Tình. Các vật dụng trong nhà cũng rất đáng ngắm. Sau gian nhà trước, đến gian sau có 2 phòng nhỏ xinh, có giường gỗ kiểu cổ, có đệm trắng, ti vi nhỏ nhỏ, quạt nhỏ để phục vụ khách ngủ lại nhà.

Cổng nhà cổ

Nhà cổ nhìn từ bên ngoài

Ảnh ông bà Huỳnh Thủy Lê

Vật dụng trong nhà

Phòng ở nhà cổ nếu khách muốn lưu trú

4:00 – 8:00: lái xe từ Sa Đéc về Sài Gòn.

Chi phí

Xăng (ô tô 4 chỗ): 400k

Cầu đường 2 lượt cao tốc: 80k1

Bánh bèo: 30k

Bánh cống : 36k

Nem nướng: 50k

Hủ tiếu : 110k

Khách sạn bao gồm ăn sáng: 430k

Thuyền đi chợ nổi: 150k

Nhà cổ Bình Thủy: 15k * 2 người = 30k

Gửi xe: 20k

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê: 20k * 2 người = 40k

Đồ ăn vặt, bột ăn dặm cho em bé: 100k

Tổng: 1526k

5/5 - (3 votes)

Leave a Reply