Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Tiêu chí khám phá các điểm tham quan nổi tiếng, văn hóa, ẩm thực và đời sống địa phương. Mình chọn các quán ăn địa phương nổi tiếng chứ không ăn ở nhà hàng, ngoài ra ghé thăm các khu chợ, chợ đêm, công viên, đi dạo để hiểu thêm về cuộc sống ở từng vùng miền. Sau đây là lịch trình và kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau 4 ngày 3 đêm của cả gia đình mình!

Ngày 1 kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau

7:00-9:30:

Lái xe từ TPHCM đến trạm dừng chân Minh Phát 2, Quốc lộ 1A, Xã Mỹ Đức Đông, Huyện Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang nghỉ ngơi. Quãng đường khoảng 110 km. Trạm khá lớn, có trang trí hòn non bộ, tiểu cảnh, nhiều bể cá, trong đó có cá koi Nhật, cá hải tượng 2 con rất to nên bé rất thích. Nhà mình nghỉ ở đó khoảng 30 phút để em bé ăn cháo. Nhà vệ sinh cũng sạch sẽ, lát nền và ốp tường đá hoa cương luôn.

10:00-12:00:

Lái xe từ trạm dừng đến thành phố Sóc Trăng, khoảng 110 km. Bắt đầu thăm thú và khám phá ẩm thực địa phương với các điểm dừng hầu như nằm trong thành phố cũng không lớn lắm, khoảng cách giữa các điểm không quá xa (vài trăm mét đến vài cây số) nên cũng khá thoải mái phần di chuyển giữa các điểm.

12:00-12:30:

Ăn trưa tại quán Bún nước lèo cây nhãn, 20 đường Võ Đình Sâm. Quán nổi bật nhờ cây nhãn lâu năm to ở trước sân che bóng mát nên dù giữa trời trưa nắng, ngồi ăn dưới tán cây nhãn vẫn mát mẻ. Cộng thêm gió thổi từ sông vào vì quán nằm sát mé sông. Gần quán có một bãi đất trống đậu xe ô tô, có chiếc đậu ngay trên đường luôn. Quán luôn đông, phần nhiều là các phượt thủ xe máy, đi thành đoàn vô ăn nườm nượp do độ nổi tiếng của quán. Có nhiều người làm, người múc, người xé thịt, người phân bún, rau, người bưng, người thu tiền nên phục vụ nhanh. Chị, cô, chú, ông bà ở đó rất vui vẻ, nói chuyện chân quê, nhiệt tình. Quán bình dân, ngồi trên ghế và bàn nhựa bày ở nền đất dưới gốc cây nhãn, vài bàn ở trong nhà (cũng hơi xập xệ) sát mé sông. Tới phần đồ ăn, thì lần đầu tiên ăn bún nước lèo nên không biết đây có phải là bún nước lèo ngon nhất Sóc Trăng không, nhưng cảm nhận là loại bún này lạ, cũng khá ngon, ăn no. Tô bún gồm có rau sống, bắp chuối bào, giá, để trong tô luôn chứ không dọn riêng nha, bún, thịt heo quay, thịt cá lóc, tôm luộc lột sẵn, hẹ, ớt. Ai thích ăn chanh thì vắt thêm vào. Nói về nước súp thì ngon, có vị mắm và nước dừa nên lạ so với các món bún nước khác. Có bưng thêm rau câu nhưng nhà mình không ăn. 30k một tô, cũng không đắt lắm, mà ngon và no.

12:30-13:45:

Thăm chùa Kh’leang, 11 Nguyễn Chí Thanh, Phường 6, Sóc Trăng hay có một số tài liệu ghi là 53 Tôn Đức Thắng, Sóc Trăng. Ngôi chùa này đáng viếng thăm vì nó là ngôi chùa khoảng 500 năm tuổi, cổ nhất Sóc Trăng nơi mà có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ. Thực sự là khi chạy xe vòng quanh vùng đất này, nơi đâu cũng là chùa, có nhiều chùa cổ và không ít chùa đang xây dựng. Ngôi chùa có kiến trúc đặc sắc, tạo cảm giác thư thả bình yên, tuy là có phần huyền bí với nhiều điêu khắc và hình vẽ, đặc biệt là rắn thần Naga. Khác với một số chùa mà lúc sau mình viếng thăm, ở chùa Kh’leang không có cảnh buôn bán nhộn nhịp mà rất bình lặng với một xe bán đồ nhỏ ở trước cổng, một quán cafe nhỏ vắng khách ngay khi vào cổng, và một vài người bán vé số. Bên trong khu vực chùa, ngoài công trình chùa, các tháp, có các khu nhà để các thầy sinh sống. Đặc biệt ở bên trái là Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, tại đây dạy tiếng Khmer bậc trung cấp. Hình ảnh lớp học nghiêm túc tạo cho mình cảm giác bình yên. Sóc Trăng qua chùa Kh’leang thể hiện một nét văn hóa khác lạ so với những vùng đất khác ở Việt Nam mình từng đi qua. Chạy xe thẳng và đậu trong khuôn viên chùa luôn.

Điểm đến kế tiếp là chùa Đất Sét, 286 Tôn Đức Thắng, Phường 5, Sóc Trăng. Chùa này rất nhỏ khoảng 400 m2, có một người ngồi trước cổng chùa, bảo đậu xe vào sân nhà sát bên chùa thu phí 30k/chiếc. Mình chạy lố một đoạn vì không thấy chùa đất sét, khi dừng lại hỏi người dân mới biết tên trên cổng chùa là Bửu Sơn Kỳ Hương. Bên trong chùa mờ ảo và kì bí, đèn thắp không sáng lắm nên các sơn của các tượng làm bằng đất sét nổi bật lên hẳn. Mình ngỡ ngàng với hàng ngàn tượng đất sét điêu khác tinh xảo về đủ các chủ đề phật, các vật linh, đặc biệt là 4 cây nến to bên trong chùa. Bên ngoài sân có các tượng lớn khác. Bên hông trái có các quầy bán thức ăn và đặc sản, nhiều quầy đóng cửa chắc vì ít khách. Thông tin về chùa: xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bởi nghệ nhân Ngô Kim Tòng.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

13:45-15:00

Nghỉ tại khách sạn Phú Quý 2 sao, nằm tại trung tâm thành phố, gần chợ Sóc Trăng, công viên và vô số quán ăn nổi tiếng. Vì vậy phần đi ăn khá thoải mái, chỉ cần đi bộ. Mình đặt phòng Double 1 giường lớn 400k, có một sofa nhỏ nên bé lớn 3,5 tuổi ngủ trên đó. Phòng này có view nhìn ra phía trước, các phòng không có view và không có cửa sổ giá rẻ hơn tầm 290k. Khách sạn để tầng dưới cùng đậu xe hơi, hơi bất tiện là hơi chật nếu xe bên trong muốn ra thì xe ngoài phải de ra để ra. Nội thất bằng gỗ công nghiệp nên cũng không sang trọng lắm, không có bồn tắm mà chỉ có phòng tắm vách kính. Được cái sạch sẽ, rộng. Vì khách sạn ở trung tâm nên mình chọn. Còn khách sạn Ngọc Thu 2 thì 3 sao, chỗ để ô tô rộng rãi nhưng ở xa trung tâm vài km, muốn đi ăn và dạo cũng khó nên mình không chọn.

15:00-16:30:

Tham quan Chùa Dơi, 73B đường Lê Hồng Phong, Sóc Trăng ở hơi xa xa trung tâm thành phốnhưng cũng khoảng vài km thôi. So với 2 chùa trên thì chùa Dơi hoành tráng hơn nhiều, người ta đầu tư cả một khu du lịch sinh thái chùa Dơi đối diện chùa, khu rộng có nhà hàng, các gian hàng bán đặc sản, đang xây dựng khu trò chơi và khách sạn. Trên đường bên ngoài chùa nhiều cửa hàng và người bán lẻ bán đặc sản, nón, đồ lưu niệm, nhang đông vui. Số lượng khách tham quan chùa cũng đông hơn hai chùa trên. Sau khi bước qua cánh cổng lớn, ở hai bên chùa là cả trăm cây sao và dầu cao vút với các tháp thấp thoáng trong đó, nếu rẽ trái đi sâu vào sẽ chiêm ngưỡng các tháp và nhiều ngôi mộ, trong đó có 5 ngôi mộ của heo năm móng. Nếu đi thẳng vào từ cổng, đi qua hàng cây, các công trình kiến trúc của chùa hiện ra, lúc này là lúc chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì lạ. Là ngôi chùa Khmer duy nhất thờ phật thích ca, trong chánh điện có một tượng phật thích ca lớn nằm ngang. Có một sân khấu nhỏ có các nghệ nhân biểu diễn ca múa nhạc truyền thống Khmer, âm thanh và giai điệu khá lạ nhưng cũng vui tai và sảng khoái. Tiếp tục đi sâu vào bên trong khuôn viên là một hồ nước, các cây xanh, trong đó có một cây cổ thụ to, một cái miếu nhỏ thờ các hòn đá chồng lên nhau. Nếu ngước nhìn lên cao sẽ thấy dơi đậu trên cây, nhưng ít thôi, buổi chiều dơi đi kiếm ăn mới về, nghe nói là hàng vạn con ngợp kín trời. Trên các cây, sau khi đốt nhang, người ta cột vỏ nhang màu đỏ lên cây. Dơi quạ tầm 1-1,5kg màu đen, vàng chỉ đậu trong khuôn viên chùa thôi nha. Thông tin là chùa được bắt đầu xây dựng năm 1569. Phí giữ xe ô tô 20k. Nói chung đây là một ngôi chùa không thể bỏ lỡ khi đi du lịch Sóc Trăng.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

16:30-18:00:

Tham quan Hồ nước ngọt, một khu vực để thư giãn sau khi thăm thú các ngôi chùa. Khu này rộng lớn 20 ha, gồm có hồ nhỏ là hồ Tịnh Tâm cũ, hồ lớn là công trình thủy lợi do dân đào, một quảng trường lớn, xung quanh hồ có hàng chục quán cafe, nhà hàng, một dãy dài bán cây cảnh, một khu trò chơi trẻ em, khu tập thể dục. Cảm giác là cái hồ rất rất rộng luôn. Gió từ hồ thổi vào mát lạnh, không khí trong lành nên mình cũng dành thời gian ở đây hơi lâu một chút. Sau đó thì ra dạo ở chợ đêm hồ nước ngọt bên cạnh.

18:00-19:00:

Về khách sạn nghỉ ngơi tắm rửa

19:00-20:30:

Ghé ăn tối với Bún vịt nấu tiêu, 62 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Quán nhỏ xíu, có cô chủ quán bán thôi với vài cái bàn, vệ sinh ở mức bình thường, cỡ quán vỉa hè đường phố thôi nha. Nhưng mà ngon tuyệt nha. Nước lèo vịt nấu với tiêu nên cay, độ cay tùy theo cách múc, ví dụ mình không ăn cay thì cô chủ múc trên mặt nồi. Nước lèo ngọt lắm nha, vì nấu bằng nước dừa, ai không ăn ngọt quen thì khó ăn, còn mình dân miền nam nên thích là cái chắc rồi, theo mình rất ngon, đậm đà. Chị kia ăn cay thì cô chủ quậy ở dưới đáy nồi lên múc cả tiêu vào luôn. Rau thì có bắp chuối, giá, rau muống bào. Khách có thể chọn thịt hoặc đùi vịt hoặc thêm cả bao tử heo nếu thích. 30k/tô đầy ắp. Có chanh để khách thích vắt vào.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Mua 2 ổ bánh mì ở ở chổ dọc đường để biết thêm về bánh mì Sóc Trăng, hầu như là không có dưa chua mà chỉ có dưa leo và ngò, giò lụa mềm, có chỗ bỏ thịt heo quay và nước sốt heo quay. Nói chung cũng ngon. 12k/ổ.

Đi dạo vòng quanh thành phố, dạo chơi ở công viên gần khách sạn. Tại đây cho thuê xe đạp, xe máy điện, xe 4 bánh điện cho trẻ em chạy vòng vòng khuôn viên. Không khí khá nhộn nhịp nên bé con rất thích. Ngồi đây nhìn xe cộ qua lại và ánh đèn màu của thành phố về đêm cũng là một điều thú vị.

Ngày 2 kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau

6:00-6:45:

Ăn sáng với Bún gỏi dà cô Hằng tại 15 Nguyễn Văn Hữu. Bún gỏi dà là biến tấu của món gỏi cuốn. Thay vì cuốn các nguyên liệu thì người ta nấu nước lèo ăn chung với các nguyên liệu cuốn gỏi: bún, rau sống gồm có giá, rau diếp cá, húng, quế, thịt heo luộc cắt mỏng, tôm luộc lột vỏ, kể cả nước chấm là tương đen đậu phộng họ cho vào trên tô bún để khi ăn thì quậy lên luôn. Nước lèo này cũng ngọt, không có chanh cũng như không có nước mắm, ăn cũng lạ lạ. 37k/tô đặc biệt nhiều tôm thịt, tô thường 30k. Quán này lớn, rộng, nhìn đồ ăn sạch sẽ. Đi dọc đường mình có thấy xe bán bánh nếp nên mua thử, bên trong lớp lá chuối là xôi nếp trộn nước sốt, ở trên có đậu phộng, tôm khô, lạp xưởng, nấm mèo. Xôi ấm nóng khi được bán, mềm dẻo, nên thử.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

6:45-7:30:

Dọn dẹp trả phòng.

7:30-9:30:

Lái xe từ thành phố Sóc Trăng về thành phố Bạc Liêu. Thăm chùa chén kiểu trên đường đi. Ở chùa này không khí buôn bán rất nhộn nhịp vì nó nằm trên quốc lộ 1A. Đối diện chùa vô số quán ăn, trước cổng chùa thì vô số quầy bán di động bán đủ thứ. Bên hông trái phía sau chùa là bãi rộng đậu ô tô xe máy miễn phí, và nhiều quầy hàng bán đồ đặc sản như lạp xưởng, đường thốt nốt, củ cải muối, bánh pía, bánh quai vạc, bồn bồn muối chua. Nghe đồn về bồn bồn đặc sản mình có thử lạ lạ nhưng không thích lắm. Vào chùa thì khuôn viên cũng rộng nhưng không như chùa dơi, cũng có cây xanh vừa phải. Có nhiều công trình. Mình chú ý nhất là nơi để các đồ vật của công tử Bạc Liêu do nhà chùa mua lại, có giường gỗ công tử từng ngủ trị giá hơn 5 tỉ chạm trổ xà cừ, bộ bàn ghế ngồi đếm tiền của công tử, và nhiều đồ gỗ có giá trị khác. Công trình đáng quan tâm nhất là chùa chén kiểu. Theo lời kể thời xưa lúc trùng tu chùa năm 1980 không đủ kinh phí, nghệ nhân đã dùng chén dĩa kiểu để trang trí làm cho ngôi chùa trở thành độc nhất vô nhị.

Sóc Trăng để lại trong trái tim người du lịch như mình một cái gì đó rất đăc trưng, huyền bí, đậm đà bản sắc văn hóa Khmer-Hoa-Việt mà nổi lên là văn hóa Khmer. Đâu đâu cũng là chùa, các bảng tên, bảng hiệu bằng tiếng Khmer ở khắp nơi. Đặc biệt là nền ẩm thực ngon, lạ, đâu đâu cũng Bún nước lèo y hệt như Cơm tấm Sài Gòn hay Bún chả ở Hà Nội vậy.

9:30-11:30

Gửi hành lí ở khách sạn Sài Gòn Bạc Liêu. Giá 530k, bao gồm buffet sáng.

Tham quan nhà công tử Bạc Liêu. Trong khi ở Sóc Trăng điểm tham quan đều là chùa thì không tốn vé vào cổng, chỉ tốn phí gửi xe. Còn các điểm ở Bạc Liêu hầu như đều tính phí. Nhà công tử Bạc Liêu ở sát khách sạn Sài Gòn Bạc Liêu nên cũng tiện. Giá vé 20k/người. Do nhà này được một công ty đấu thầu mua lại, không còn là sở hữu của gia đình công tử, nên công ty này khai thác cũng như quản lí khá tốt hơn một số nhà cổ nổi tiếng khác như Bình Thủy và Huỳnh Thủy Lê ở Cần Thơ mà mình có dịp từng ghé qua. Có bảo vệ, hướng dẫn viên giải thích về lịch sử, các đồ vật, câu chuyện có thật cũng như lời đồn về công tử Bạc Liêu xài tiền như nước. Sau khi giới thiệu về các đồ gỗ có giá trị lên đến hàng tỉ đồng trong nhà, các bức ảnh về gia đình, bàn thờ gia đình, các kỉ vật, đồ cổ sưu tập, cô hướng dẫn viên chốt lại công tử Bạc Liêu tiêu xài tổng cộng 5 tấn vàng trong suốt cuộc đời mình, 5 người vợ chính thức và vô số nhân tình. Mình ấn tượng nhất là chiếc giường gỗ, chạm xà cừ, khảm đá để ngủ vào mùa hè cho mát, bàn uống rượu, bàn chơi bài nơi mà mỗi ván bài 2 cây vàng. Vào đây tham quan để có động lực kiếm tiền và hiểu thêm về một giai đoạn của lịch sử. Ngoài ra cạnh nhà còn có một cây dừa đã khoảng 100 năm tuổi, rất cao và rất cao và ốm, vẫn còn ra trái. Ở ngoài có bán đồ lưu niệm và đặc sản, mình thích muối ớt Bạc Liêu và bánh in nhân sầu riêng và nhân dừa, có ăn thử rất ngon, nhưng cũng không mua vì chuyến đi còn dài, sợ bị hỏng.

Ăn trưa với bánh mì bán ở gần khách sạn.

11:30-15:30:

Tham quan tượng phật bà Nam Hải, nơi này cách khách sạn khoảng 10 km. Khi đến nơi, thấy ngay cổng vào hoành tráng, gửi xe ở trên lề đường 20k. Khu này rất đông đúc xe du lịch đưa khách đến viếng phật bà, các quầy hàng buôn bán náo nhiệt, nhất là bán nhang, các loại bánh. Bước qua cổng, đi theo con đường hai bên có cây xanh một quãng vài trăm mét sẽ nhìn thấy tượng phật bà uy nghi cao lớn màu xanh. Người người vây quanh lạy, đốt nhang, khấn vái cho thấy phật rất linh thiêng. Có khu nhà ăn miễn phí, 2 ngôi chùa lớn, một khu vườn rất rộng khi đi tiếp vào bên trong. Khu vườn đầy cây xanh, hồ nước có bèo, cây cầu nhỏ, và đặc biệt hàng chục tượng, chủ yếu là tượng phật bà trong các tư thế và phục trang khác nhau. Bé gái của mình rất thích chụp hình với các tượng này, vì bé nói phật đẹp.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Tham quan cánh đồng quạt gió, cách tượng phật bà khoảng 10 km. Đi theo bảng đồ Navigas chỉ nên đường đi hơi xấu, đường nhỏ, lồi lõm, nhiều cầu, bụi, có đoạn nhiều đất. Nhưng bù lại như đi giữa thiên nhiên với phong cảnh hai bên đường đẹp như tranh vẽ. Đầm nước, cây ngập mặn, các vuông tôm ở hai bên đường, trời xanh và nắng chiều vàng óng, xa xa thấp thoáng cánh quạt gió, chỉ thế cũng thấy tấm lòng thư thả. Cuối cùng vượt qua đoạn đường xấu cũng đến nơi, có cổng bảo vệ, 20k/người, 20k/gửi xe ô tô. Phải đi bộ một quãng vài trăm mét để ra tới biển, nơi có cây cầu dẫn ra biển đến gần các quạt gió khổng lồ ngự trị trên bầu trời xanh. Cảm giác nhất ở đây là gió, gió thổi mát lạnh, hụ hụ, càng đi bộ ra xa đến các cánh quạt ngoài xa thì gió càng to bay tóc tứ tung. Cẩn thận không che dù, đội nón thì phải giữ chặt, khi đi cũng đi ở giữa, không ngổi lên lan can, giữ chặt trẻ em ở đây. Âm thanh mạnh mẽ của gió kết hợp với tiếng sóng tạo một cảm giác rất phiêu ở đây. Vì có phù sa nên nước biển có màu giống sô cô la, kết hợp với trời xanh mây trắng, cánh quạt to sừng sững, rất hợp để sống ảo.

Tham quan chùa Xiêm Cán trên đường về khách sạn ở trung tâm. Chùa rộng, chạy xe vào thẳng, không có cảnh buôn bán gì trong chùa nên khung cảnh yên bình. Màu đỏ và vàng là hai màu chủ đạo của chùa, kiến trúc xinh đẹp, khuôn viên rợp bóng mát làm bạn khó quên khi viếng thăm nơi đây. Đừng bỏ qua ngôi chùa Khmer được xem là một trong các chùa lớn và lộng lẫy nhất Nam Bộ.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

15:30-17:30:

Nghỉ ngơi ở khách sạn, đây là một khách sạn mình đánh giá khá cao từ bảo vệ, vệ sinh, nhân viên, nội thất, an ninh trong các khách sạn từng ở.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

17:30-19:30:

Tối nay ăn mì gói, cháo gói, ngũ cốc và sữa tươi linh tinh trong khách sạn. Vì có nghiên cứu là Bạc Liêu có Bún bò cay, Bún mắm, và Cà ri vịt. Bún bò cay và bún mắm thì bé con không ăn được, cà ri vịt thì khá phổ biến ở miền Nam nên bọn mình không ăn đặc sản ở đây.

Chợ đêm Bạc Liêu cũng không có gì đặc sắc với một số quầy quần áo, không nhiều khách lắm.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Dạo chơi ở quảng trường Hùng Vương rộng lớn, gió thổi mát. Cây đàn kìm – biểu tượng của tỉnh Bạc Liêu được chiếu đèn màu hông tím và vòi p hun nước xung quanh nổi bật giữa quảng trường. Ở quảng trường một dãy dài cho thuê các loại xe 2, 3, 4 bánh, xích lô, patin để trẻ em chơi trên sân. Hòa vào không khí đó thật vui.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Ngày 3:

6:00-7:30:

Ăn sáng buffet tại khách sạn. Đồ ăn sáng thật nhiều, đủ loại món ăn bánh ướt, bánh tằm, cháo trắng, hột vịt muối, thịt kho, dưa cải muối, súp trứng, bò kho, thịt heo viên sốt, cơm chiên, mì xào, chả lụa, sữa đậu nành, nước cam. Món nào cũng ngon, thật chất lượng, xứng đáng giá tiền.

7:30-8:30:

Đi thăm khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu này vừa được xây dựng, có nhiều khu nhà, quảng trường để tìm hiểu cũng như chụp ảnh.

8:30-12-00:

Nghỉ ngơi tại khách sạn.

12:00-15:30:

Lái xe từ thành phố Bạc Liêu đi Mũi Cà Mau khoảng 165 km. Nhà mình định đi rồi mệt ở đâu thì nghỉ ở đó chứ không nhất thiết phải đến mũi Cà Mau. Quả là một quãng đường dài và có nhiều cung bậc cảm xúc. Đến thành phố Cà Mau chỉ 75 km, ghé vào siêu thị Coopmart ăn trưa. Vẫn chưa mệt nên lái tiếp đến thị trấn Năm Căn, đường bắt đầu hẹp và xấu dần, có nhiều cầu, xe bị dằn xóc khá nhiều, hai bên đường nhiều đoạn rất vắng vẻ không thấy bóng người. Từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn khoảng 65 km nữa, ở đây có khách sạn Ozon cũng khá nổi tiếng. Nhưng vì chồng mình cảm thấy phấn khích muốn chinh phục mũi Cà Mau nên lái luôn một mạch hơn 50 km nữa. Ra khỏi Năm Căn, càng đi đường càng vắng, thi thoảng mới thấy một nhà hàng nhỏ, hay một hai nhà dân. Còn lại là rừng ngập mặn xanh ngát, có những đoạn trông ra biển, đoạn nào không bụi mở cửa xe để hít thở không khí trong lành đậm đà hương biển. Đoạn đường cứ dài ra và có cảm giác mình bị lạc vào rừng sâu, tuy nhiên cũng có xe ô tô và các phượt thủ xe máy nên làm mình cũng yên tâm.

15:30-17:30:

Ôi cuối cùng thì cũng đã đến nơi, có một cổng chắn không cho chạy xe vào khu vực mũi, thu vé 10k/người, xe ô tô 16k. Ở đây có một nhà hàng vừa vừa và gần chục nhà dân bán tạp hóa và ít đồ ăn, đặc biệt cua vừa bắt dưới biển lên, hoàn toàn tự nhiên, nếu không có 2 em bé nhỏ vợ chồng mình đã nhào vô ăn rồi.

Giờ là cảm giác đi đến điểm tận cùng của đất nước, nó cứ lâng lâng khó tả ra sao ấy. Điểm ấn tượng thứ hai chính là hoàng hôn trên biển cực kỳ đẹp, cực kỳ lung linh. Cộng vào đó là tượng đài cao sừng sững và cây cầu đi bộ dẫn ra biển, có một ngôi nhà nhỏ rất xinh đẹp nữa. Ngoài ra đi bộ vào sâu bên trong là công viên, ở giữa là cột mốc tọa độ quốc gia. Thêm một đoạn nữa là tượng con thuyền với 2 cánh buồm. Nhà mình chụp ảnh lưu niệm mà lòng bồi hồi xúc động.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

17:30

Lái xe về khu du lịch Khai Long ở gần Mũi khoảng hơn 10 km. Mình nghĩ là khách sạn Ozon tốt hơn nhưng chạy thêm 50 km qua đoạn đường vắng vẻ, hẹp và xấu nguy hiểm thì hơi quá sức. Chỉ có mình book phòng ở khu du lịch này, nghe tiếp tân nói là vài tuần mới có một đoàn. Giá phòng là 390k/phòng Double máy lạnh 1 giường đôi. Nội thất đẹp nhưng nhà vệ sinh cũ không tiện lợi nên mình không thích. Do đó là các nhà liền kề chứ không nằm trên tầng cao, cộng thêm nhiều cây cỏ ở xung quanh nên mở cửa ra muỗi sẽ tràn vào.

Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4 ngày 3 đêm

Ngày 4 kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau

5:30-7:00:

Tuy nhiên được cái là sáng ngủ dậy không khí trong lành, đi dạo một vòng ngắm cảnh có nhiều hồ sen, nhà bằng gỗ, các tiểu cảnh cũng đẹp, lâu đài, khu vui chơi trong nhà, khu vui chơi dưới nước cũng nhỏ và khá cũ nhưng mình vẫn cho bé vào chơi cho vui. Khu du lịch nằm sát biển nên có thể ngắm biển. Ngoài ra còn có tượng phật bà Nam Hải và một ngôi chùa đang xây dựng gần tượng. Nói chung cũng tạm được. Giá đồ ăn ở đây đắt, và mình sợ khu này vắng quá nên nấu không ngon, mình và chồng ăn mì gói, bánh mì sandwich, bánh gạo tiếp. Mình thì đem theo sữa hộp Ensure, một hộp bằng một khẩu phần ăn, đảm bảo chất lượng. Bé con thì có cháo bịch của SGFood, sữa NAN hộp, ngủ cốc và sữa tươi.

7:00:

Lái xe từ khu du lịch về thành phố Cà Mau, ghé trung tâm thương mại Sense City ăn trưa ở Jolibee 50k/phần cơm. Đáng lẽ về Cà Mau ghé ăn hải sản nhưng mà có con nhỏ, ăn các loại cua tôm không tiện lắm, lẩu thì sợ em bé ngồi gần nguy hiểm. Nhà nào em bé đã lớn thì đừng quên thưởng thức hải sản tươi ngon ở đất mũi và thành phố Cà Mau nha.

Đến gần đường lên cao tốc Sài Gòn – Trung Lương dừng ở cơm tấm Kiều Giang nổi tiếng. Giá 55k/dĩa sườn bì, cơm thêm 3k, rau câu 5k/cái dọn sẵn nếu ăn thì tính tiền. Miếng sườn nhỏ mỏng, không mềm lắm, nước mắm mặn. Nói chung sạch sẽ, phục vụ tốt nhưng mà giá đắt so với phần ăn, chất lượng vừa phải không quá xuất sắc hay là không hợp khẩu vị gia đình mình.

Kinh phí:

Xăng: 1,200k

Phí cầu đường: (cao tốc Sài Gòn – Trung Lương 60k, trạm thu phí Sóc Trăng 25k, trạm thu phí Bạc Liêu 30k) x 2 chiều = 230k

Khách sạn: Phú Quý ở Sóc Trăng 400k, Sài Gòn Bạc Liêu 530k, Khai Long 390k

Ăn uống:

Đồ ăn vặt mua ở siêu thị trước khi đi (sữa Ensure hộp, sữa NAN hộp, sữa tươi Vinamilk, sữa đậu nành Soya, bánh Chocopie, ngũ cốc hạnh nhân Keyloggs, táo, mì gói, cháo bịch dinh dưỡng trẻ em, sô cô là Kit Kat, nước ép trái cây): 500k

Bún tiêu vịt: 30k x 2 = 60k

Bún gỏi dà: 37k x 2 = 74k

Bánh mì: 12k + 12k = 24k

Bánh nếp: 10k

Cơm Coopmart: 50k

Jolibee: 50k x 2 = 100k

Cơm tấm Kiều Giang: 120k (2 dĩa cơm sườn bì và 2 cơm thêm)

Tổng: 3,688k -> hoàn toàn là một số tiền hợp lý
Tổng: 3,688k -> hoàn toàn là một số tiền hợp lý 

Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình

5/5 - (1 vote)

Leave a Reply