Kinh nghiệm du lịch An Giang

Chào mọi người, mình vừa trở về từ chuyến du lịch An Giang trong vòng 3 ngày 2 đêm (tính cả thời gian đi về) bằng xe ô tô cho gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng, 1 bé 5 tuổi, 1 bé 2,5 tuổi. Chỉ với 3 triệu (chi phí vào tháng 6 năm 2020) là đã đủ đi muốn hết An Giang rồi nhé.

Đường nào đi An Giang

Có nhiều đường đi An Giang nhưng nhà mình chọn đường Cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, rẽ xuống Quốc Lộ 62, rồi qua cầu Vàm Cống, qua Long Xuyên, rồi đến Châu Đốc trước. Thực ra bạn có thể đến khu Bảy Núi trước rồi kết thúc hành trình ở Châu Đốc cũng được. Nhưng mình rất là hào hứng đi Châu Đốc trước nên ở đây thẳng tiến thôi.

Quãng đường tầm 240 km, gia đình mình chạy liên tục không nghỉ ăn uống thì gần 5 tiếng tới nơi. Nếu chịu khó đi sớm thì sẽ đến Châu Đốc trước giờ ăn trưa. Vì có em bé nên mình đem 2 hộp cơm có cá đồng và rau ở nhà theo ăn. Tại vì mấy bữa tiếp sau đồ ăn chưa chắc đảm bảo vệ sinh và có nhiều rau.

Đến nơi rồi – ăn chơi thôi – kinh nghiệm du lịch An Giang

Ngày 1

Khách sạn

Đến khách sạn ngay đối diện chợ Châu Đốc, tên là Trung Nguyễn Hotel, giá 340k cho phòng 20 m2. Vì giá rẻ nên chất lượng phòng không cao lắm, giống như nhà nghỉ bình dân hà. Ngoại trừ vị trí tuyệt đẹp, bước 10 bước là qua chợ Châu Đốc liền thì không có gì đặc biệt, khách sạn hơi tối và cũ, giá cũng không phải là rẻ lắm. Cho nên mùi mắm, mùi khô, mùi bánh trái, âm thanh chợ búa mình cảm giác rất rõ. Dẫu sao cũng là một trải nghiệm hay ho. Mình nghĩ ở một khách sạn trong khu vực chợ là một lựa chọn tốt.

Làng Chăm Châu Phong và làng nổi Châu Đốc

Sau khi nghỉ trưa đợi chiều mát mát thì nhà mình ra bến phà để qua thăm làng Chăm Châu Phong và làng nổi Châu Đốc. Đây là những trải nghiệm không thể bỏ qua. Theo mình thỏa thuận với người đưa đò thôi nhưng giá cũng không cao quá đâu nhé các bạn, 200 – 300k thôi. Ngồi lênh đênh trên sông nước vào buổi chiều và cảm nhận cuộc sống địa phương đem đến nhiều cảm xúc kì lạ, vừa buồn man mác vừa thấy như được tiếp thêm sức sống và năng lượng từ những người dân chân chất.

Bún Cá

Quán bún cá ở gần chợ Châu Đốc không có tên mà chỉ biết là cô ấy bán mấy chục năm rồi. Nguyên một dãy bún cá 6 quầy mà họ dẹp hết, còn cô bán buổi tối. Theo cô nói là do bán được ít, còn cô bán nhiều nên bán suốt ngày. Nói chung khi đi chơi mà ăn bún nè, lẩu nè, canh nè là an toàn hơn vì nó sôi, sạch. Trước hết phải nói mùi mắm không phải là gu của gia đình mình. Tuy nhiên, nước lèo nấu từ cá và mắm của cô không tanh, ít mùi và vị mắm, đặc biệt đậm đà. Rau thì có bắp chuối và bông điên điển, phần cá lóc thì lấy ra từ con to đùng, mà thịt nó dai dai. Ai thích hột vịt lộn thì nói cô đập vào nhé. Giá một tô là 30k, hột vịt chắc chưa tới 10k. Ăn xong thì ấm bụng nhé. Quán này lề đường nhưng mình cảm giác đồ ăn cũng sạch, có dân địa phương ăn, có xe hơi của khách phương xa tới ăn. Bạn có thể hỏi người dân khu bún cá gần chợ, cách khoảng gần 1 km.

Xong rồi nhà mình đi dạo một vòng Châu Đốc về đêm từ khoảng 7 giờ đến gần 8 giờ. Thành phố cũng hơi buồn, phần nhiều nhà đi ngủ, một số cửa hiệu đóng cửa trừ quán cafe, quán nhậu, tiệm bánh, vài quầy ăn nhỏ trên đường và đầu chợ Châu Đốc. Vì khoảng 9 giờ các bé mới chịu ngủ nên tụi mình lên Coopmart Châu Đốc lượn mấy vòng mua sữa, chuối bổ sung chất dể sẵn sàng cho chuyến đi ngày mai. Bạn sẽ bất ngờ vì ngày mai là tụi mình đi hàng loạt điểm luôn đó.

Ngày 2

Chợ Châu Đốc sáng sớm

Sáng sớm khi các thành viên còn lại đang say sưa ngủ thì mình đi vòng chợ Châu Đốc. Buổi sáng thật trong lành, không khí còn vương chút hơi ẩm do tối qua có mưa lất phất. Mùi mắm đặc trưng lan tỏa trong không khí làm mình nhớ mãi, nó tạo nên đặc trưng của chợ Châu Đốc. Nhưng mình chưa vội, mình lượn phía trước cổng chợ mua bánh mì tại một quầy bánh mì lâu năm tại chợ. Thật ra tối qua mình đã “tia” quầy này rồi. Quầy bánh mì bán đến có lẽ 11 giờ đêm mà thấy người đến mua nườm nượp, một người mua mấy ổ, mà người làm cũng nhanh nhẹn lắm, loáng tí là xong. Mình nghĩ là ngon, mà mua rồi ăn vào ngon lắm lắm, mấy cái chả lụa nó dai và ngọt thịt mà cảm giác ít bột nhiều thịt nạc trong đó, dưa chua vừa miệng, đặc biệt là pate béo bùi thơm cực kỳ. Có điều bánh mì không dạng nóng giòn như mấy bánh mì mắc tiền Huỳnh Hoa 40k/ổ. Bánh giòn bên ngoài nhưng không có giữ nóng. Khách có thể chọn 15k/20k/25k nhưng mình thấy ổ 15k nhiều thịt và mình ăn khá vừa bụng. Tại vì sau đó mình còn ăn thêm mấy cái bánh bò thốt nốt cũng ngay đầu chợ. Giờ thì mới tới phần mô tả cái bánh này và tại sao khách nên thử, nó khác bánh bò hay gặp ở miền Tây và bánh bò bán ở chợ, xe hàng rong ở TPHCM. Thứ nhất là bánh luôn nóng hổi, tính mình thích ăn bánh mì, bánh ngọt, bánh mặn gì đó còn nóng dạng mới ra lò. Ví dụ pizza nè, bánh mì nóng giòn nè, bánh hot dog, bánh chuối chiên,… Cho nên bánh bò mà bốc khói mùi thơm bay tràn lên mũi, hơi ấm phả vào mặt như thế rất hợp ý mình <3 Bánh bò mềm, xốp chứ không dai, nó thơm đường thốt nốt và kết hợp với cơm dừa béo giòn sừn sựt rải lên trên. À lại còn gói trong lá chuối nữa, cái nào cũng nhỏ xinh xinh như bông hoa hết đó, ăn vừa miệng mà đẹp mắt. Nói tóm lại nên thử hen.

Bây giờ nói đến phần dạo chơi trong chợ. Vì buổi sáng chưa mở hàng nên đi ai cũng mời mở hàng, nên mình không dám chụp nhiều hình sợ bị “la”. Quầy mắm nằm ở phía trước chợ, quầy nào cũng xếp mắm khéo léo thành từng bậc, phần lớn mắm có màu đỏ tươi, đỏ nâu, đỏ cam, xám, nâu. Nguyên liệu làm nên mắm ở Châu Đốc gồm có các loại cá chèn, lọc, sặc, linh, đu đủ, dưa và rất nhiều loại khác. Nếu như ngoài chợ mới ngửi thấy mùi thoang thoảng thì đi giữa 2 dãy mắm mới “thấm” mùi nhe các bạn. Ai thích mắm thì sẽ thấy mùi nó đậm đà, hấp dẫn muốn mua liền. Ai hổng thích thì mang khẩu trang. Các chị ở đây nhìn mình là biết khách phương xa, tiếng mời chào đon đả, mời thử mắm. Vì mình sợ mắm đổ ra xe, và anh chồng cũng không thích mùi mắm nên mình không mua, chứ mình và gia đình bên ngoại thích ăn mắm và các món nấu từ mắm lắm. Giá cũng rẻ, từ 80k đến không quá 200k đâu, giá có để sẵn và chênh nhau khoảng 10k giữa các cửa hàng. Nên mình nghĩ cũng không đến nỗi chặt chém. Mình đoán mua nhiều mình kỳ kèo để họ bớt chút so với giá để trên bảng. Thực ra ở đối diện khách sạn có một nhà lầu bán mắm có hiệu gì ấy to đùng, bán đủ loại mắm và đặc sản. Lần sau mình sẽ ghé mua.

Tiếp theo mình đi xem các quầy khác, càng đi càng thấy chợ rộng các bạn ạ. Các loại sản phẩm khác bán trong chợ tương tự như các chợ khác ở Việt Nam. Mình ấn tượng với mấy xe và quầy thức ăn trong chợ. Thiệt là hay, nếu như Bún bò Huế ở khắp nơi ở khu vực miền Trung và Huế, mì Quảng ở các ngõ ngách Tam Kỳ thì trong cái chợ này rất nhiều bún cá :)) Dân ở đây họ thích ăn bún cá :)) Còn lại thì mắm được bán rải rác tại các quầy trong chợ. Ví dụ quầy bún cá mà cũng để mấy hủ mắm bán, quầy rau cũng có bán mắm. Mà nghe một cô địa phương mua có 5k mắm thôi, về nấu nồi canh hay lẩu là đủ.

Mình mua bánh mì cho các thành viên còn lại, cho em bé nhỏ ăn cháo rồi xếp hành lý lên đường.

Khu vực núi Sam

Khu vực núi Sam gồm Miếu bà chúa xứ, Chùa Tây An, chùa Hang, chùa Long Hưng, miếu bà trên đỉnh núi Sam; rừng tràm Trà Sư; Khu vực núi Cấm, đi cáp treo, chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn đã được chinh phục trong 1 ngày. Bạn có biết rằng các ngọn núi ở Việt Nam thường hay có chùa. Vùng Châu Đốc nổi tiếng nhất với bà chúa Xứ “cầu gì được nấy” và hàng chục ngôi chùa cũng như địa điểm tâm linh, chủ yếu nằm ở xung quanh và trên núi Sam và vùng Bảy Núi. Cảm giác của mình khi đến đây là gì? Vừa thấy như hòa mình vào sự bao la của đất trời, sự hùng vĩ của núi non, sững sờ trước các tác phẩm của tạo hóa, hít thở không khí “siêu” trong lành – điều hiếm hoi ở TPHCM nơi mình sinh sống, vừa lắng mình vào không khí trầm mặc và khép mình trước sự linh thiêng của chốn tâm linh.

Từ chợ Châu Đốc thì mình đi khoảng hơn 5 km sẽ đến khu vực núi Sam. Đường đi đẹp, nhà cửa có đoạn thưa đoạn đông đúc. Khi đến gần khu vực núi Sam, các bé ồ lên vì bắt đầu thấy núi Sam phủ bởi rừng cây xanh thấp thoáng trong làn sương sớm. Mây trắng, trời xanh rất hợp với màu của núi rừng, điểm thêm các mái ngói chùa màu cam đỏ. Trong vòng nửa km trước chân núi, dãy nhà trọ, khách sạn, quán ăn bắt đầu hiện ra san sát, khung cảnh cực kỳ sầm uất. Nhất là tới chân núi, quán ăn, quầy nước, quầy mắm, đặc sản, đồ cúng, bãi để xe hơi chen chúc. Người chào mời đon đả, kẻ chạy theo sát chân. Có một anh cò cứ đi theo tụi mình suốt 20 phút từ khi bước xuống xe cho tới khi vào bên trong miếu bà chúa Xứ để nài mua 50k đồ cúng. Cánh xe ôm thì chạy ào ào theo và chờ ở cổng miếu để nài nỉ một chuyến chở đến các địa điểm khác. Các dịch vụ ở đây khá là “chuyên nghiệp” và rất nhiều người sống dựa vào du lịch.

Từ trong quầy mắm thì ghé mua mắm đặc sản bà Giáo Thảo đi chị ơi, thơm ngon đặc biệt. Thương hiệu mắm này có vẻ phổ biến và được bán khắp nơi ở khu vực núi Sam. Còn ở chợ Châu Đốc thì thấy một vài quầy bán mắm hiệu này, còn lại thì không có hiệu. Quầy đồ cúng thì đầy ra nào là hoa sen, nhang đèn, giấy vàng mã. Thậm chí họ sẽ lo heo quay và đồ ăn để khách hàng cúng. Tụi mình chạy một vòng tìm chỗ đậu xe, chỗ thì ghi 70k, chỗ thì 50k, thiệt mắc hơn ở trung tâm thương mại Sài Gòn nhiều (miễn phí, 15k, 20k, 20k cho 2 giờ đầu).

Miếu Bà Chúa Xứ ở sát chân núi, đi bộ từ dưới lên khoảng vài phút là đến. Như nói ở trên, hơn chục quầy hàng san sát dọc theo đường dẫn lên miếu, chủ yếu bán đặc sản như mắm, đồ cúng và nước uống, thức ăn. Dọc con đường đi bộ này thì các loại đồ cúng được bán nhiều hơn. Miếu bà chúa Xứ về kiến trúc không có gì đặc biệt, không được sơn sửa lung linh như ở một số nơi tâm linh khác, nhưng sự cũ kỹ và cổ kính khiến lòng như lắng xuống và thấy như quay lại thời cổ xưa. Trước cổng và trong sân có bảo vệ đàng hoàng để ngăn nhiều người bán hàng rong, xe ôm vào trong làm rối loạn trật tự an ninh. Trong sân khá rộng, có một ít cây cảnh. Khi bước vào khu thờ cúng chính mới thấy sự tin tưởng của nhiều người vào bà chúa Xứ. Người người chen chúc đốt nhang,  quỳ lạy, dâng đồ cúng, cầu mong nhiều thứ khác nhau từ tiền bạc, tình duyên, con cái,… Nhang khói bay nghi ngút, heo quay, lễ cúng để đầy trên bàn thờ. Nghe nói thứ 2 nên ít người đó, chứ thứ 7 chủ nhật còn đông dữ nữa. Vậy mà mình thấy cũng khá đông rồi đó.

Rời khỏi Miếu Bà, chúng tôi đi bộ sang chùa Tây An. Tại đây nhiều người đốt nhang, vái lạy và ước nguyện. Không khí ở 2 chùa đều hơi tối một chút, huyền bí nhưng luôn mát mẻ và thoáng khí. Thời gian viếng thăm và chụp ảnh 2 chùa khoảng nửa tiếng. Lúc này xe ôm đã thôi đeo bám, anh giữ xe tốt bụng lúc nãy không dám “hó hé” gì giờ mới nói để tui chỉ đường lên mấy chùa kia.

Từ bãi xe ngay miếu bà, chúng tôi chạy vòng theo đường chân núi một xíu là đến con đường dốc leo lên đỉnh núi Sam. Trên đường đi đá, cây, chùa, quầy hàng của người dân, khách sạn Victoria Núi Sam Lodge Châu Đốc với một quán cafe khá ổn phục vụ khách đi đường. Giá khách sạn khoảng hơn 1 triệu thời điểm mình đi, giảm giá do dịch Covid. Nếu có thời gian mình sẽ ở lại đây nghỉ ngơi, tận hưởng một đêm. Nhưng vì còn đi tiếp các điểm khác nên đành lỡ hẹn lần này. View từ đó nhìn ra triền núi và thảm lúa xanh hay vàng, nâu tùy mùa cùng không khí núi rừng đáng để trải nghiệm. 2 địa điểm mình ghé trên núi là Chùa Long Sơn và miếu Bà trên đỉnh núi. Chùa Long Sơn thì cũng rộng, kiến trúc mái cong ngói đỏ, vàng làm mình ấn tượng. Tầm nhìn từ chùa xuống dưới núi rất đẹp. Trong chùa có ao hay hồ nhỏ nuôi cá. Nói chung ở đây thấy rất thoải mái vì chùa thoáng mát, trần cao, rộng rãi, gió thổi lồng lộng. Đối diện chùa có hai quán bán nước giải khát và ít đồ ăn nhẹ, món ngon nhất chắc là sữa đậu nành vì ghi biển là quán bán sữa đậu nành. Mình không thử vì sợ trời mưa buổi chiều. Còn khi lên đến đỉnh sẽ có một bãi giữ xe khá rộng, từ đó đi bộ lên nơi bà ngự. Ở đây mọi người cũng đốt nhang, lạy và tỏ lòng thành kính với bà. Một vài quầy bán đồ chơi, đặc sản, nước uống, đồ cúng nho nhỏ. Điều đặc biệt là tầm nhìn từ đây tuyệt đẹp nhé. Đừng bỏ lỡ chụp vài tấm ảnh kỉ niệm nhé.

Giờ thì xuống núi và đi vòng chân núi đến chùa Hang, tên ngoài cổng là Phước Điền Tự. Có một bãi xe nhỏ bên trong cổng nhưng khá nhỏ. Do hôm nay không đông nên mình vào đậu xe ở đó luôn. Ngoài ra có nhiều quán nước kèm chỗ giữ xe tại các nhà bên ngoài chùa. Từ đó đi bộ khoảng trăm bậc thang mới lên đến chùa chính. Ở dưới chân cầu thang đá có vài ba ngôi nhà dân ở trong sân chùa luôn nhìn hay hay, các bà cô ngồi ở ghế đá ăn cơm hộp, uống nước và nói chuyện râm ran. Dọc đường lên có các quầy nhỏ và quầy lớn bán thốt nốt, đồ lưu niệm, đồ chơi, đồ thờ cúng. Giữa đường bên trái có một khu vực hồ sen, cây cảnh, sân hơi rộng thờ vài tượng phật. Khi lên đến chính điện có phòng nhỏ bên phải để giày dép, một tủ bên trái đựng xà rông cho ai lỡ mặc váy ngắn hoặc xòe không phù hợp vào viếng phật. Nơi này khá kỹ, xà rông này miễn phí chứ không phải như ở Thái Lan có một số chỗ phải trả tiền mướn xà rông. Chỗ chính điện thờ phật và để đốt nhang. Nơi này vắng hơn khu vực miếu Bà và chùa Tây An. Bên phải có một nơi có thể chụp ảnh với một dãy cây phượng đang nở hoa đỏ rực và nhìn xuống ruộng xanh ngát. Thời mình đi là giữa tháng 6 dương lịch nha.

Rừng Tràm Trà Sư

Chinh phục gần hết các điểm chính tại khu vực núi Sam chỉ khoảng 2 tiếng thôi hà. Tầm 9 giờ là tụi mình tiếp tục hành trình đến rừng tràm Trà Sư cách đó 25 m. Vì đi nhầm đường nên đến đó khoảng 10 giờ hơn chứ không thì đến sớm hơn vì quãng đường chỉ có hơn 20 km. Do lạc đường nên chạy dọc đường toàn là đồng lúa và cây thốt nốt tuyệt đẹp.

Khu này do một công ty đứng ra tổ chức nên thấy không có cảnh lộn xộn như ở núi Sam. Có bảo vệ và nhiều nhân viên lịch sự, làm việc có quy tắc nên mình thấy khá thoải mái. Bãi xe siêu rộng, miễn phí, chắc ở trong tiền vé rồi. Vé thì giá 100k cho phí tham quan (bắt buộc). Với phí này, khách có thể đi bộ trên cầu tre dài khoảng 2 km đến một khu vực bên trong rừng tràm. Tại đây sẽ có đài quan sát, nhà hàng, cầu tình yêu, bến xuồng chèo tay. Nếu không muốn đi bộ, khách chọn đi đò máy với giá 50k/người/đi về luôn. Khi đến khu vực bên trong, khách đi xuồng chèo có thể mua vé 50k/khách hoặc mua từ đầu luôn. Vì mình ở miền tây nên cũng đi xuồng chèo quen rồi, vì vậy bỏ qua bước này. Đi bộ trên cầu tre cũng thú vị nhưng đã trưa rồi, vừa đói lại thấy lúc nắng lúc nắng nên trải nghiệm đò máy luôn. Mà thấy các bức ảnh về Trà Sư toàn là lung linh bèo nước và cây tràm nên tụi mình trải nghiệm cho biết. Còn cây cầu thì mình có thể thử đi một đoạn thôi. Không liên quan nhưng mà cô bán vé xinh lắm nhé, lúc mà vào tới khu bên trong rừng cô bán vé xuồng chèo cũng xinh luôn <3

Thực ra đây là một lựa chọn tuyệt vời. Đầu tiên sẽ có đò máy chở một đoạn ngắn vào bên trong một công viên nhỏ. Người ta đang bắt cầu, xong rồi không đi đò máy để sang sông nữa. Bên đầu kia có tiểu cảnh nhà cho chim bồ câu khá đẹp, tiểu cảnh coi cũng được, tín đồ sống ảo sẽ thích. Đi bộ 2 phút sẽ ra tới bến đò nữa, mình ngồi khoảng 10 – 15 phút đi xuyên rừng. Cảnh đẹp tuyệt vời, gió mát và mùi cây lá hòa với mùi bùn thoang thoảng như xua đi bao mệt mỏi do đi leo núi nãy giờ. Oa, quá xuất sắc. Đến nơi rồi nè. Rẽ trái sẽ đến đài quan sát, nhà hàng, cầu tình yêu, rẽ phải sẽ đến cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam và bến xuồng chèo. Vì khá đói bụng do sáng chỉ ăn nhẹ với bánh mì, các bé chỉ uống sữa và ăn bánh nên tụi mình đi ăn luôn. Đi bộ cũng hơn 5 – 10 phút mới tới nơi nhé. Phía trước nhà hàng có một dãy bán nước hơi xập xệ, uống nước thì ghé đây cũng được, giá cũng rẻ. Bên trong khu vực nhà hàng là các ao có các tum lợp lá, sàn gỗ rất hữu tình. Thấy có khoảng hơn trăm chỗ đã được công ty du lịch đặt. Khách lẻ cũng đông. Mình thấy menu cũng rẻ. Cơm trắng dĩa 15k to đùng cả nhà mình ăn không hết, lẩu cá 150k mà nguyên con cá hú cả nhà ăn no “núc ních”, nêm nếm ngon, nước mắc trong cũng ngon luôn nhé. Rau thì khỏi nói, tất nhiên là tươi và toàn là đặc sản như bông súng, điên điển. Ngồi ăn xong thì nghỉ ngơi và tâm sự, tận hưởng không khí và cảnh đẹp. Giữa trưa mà không nóng tí nào nhé.

Khi cơm xuống, bụng đỡ no thì leo lên tháp cao – đài quan sát để ngắm toàn cảnh. Các bé rất là xông xáo leo lên và leo lên đến đỉnh là siêu đuối luôn mặc dù cũng không cao lắm. Chắc là do mới ăn xong :)) Khung cảnh rừng tràm xanh buổi trưa nhuộm vàng bởi nắng, thỉnh thoảng có chim bay chấp chới. Nếu dành một ngày chơi ở đây thì đợi đến tầm chiều sẽ có nhiều chim hơn nhé.

Sau đó tụi mình đi bộ ra cây cầu tre trải nghiệm, cũng hay lắm nhé, được xây dựng khá chắc chắn nhé bạn. Cầu len lỏi trong rừng tràm ngập mặn, du khách được đi giữa rừng, dưới tán lá, chụp những shoot hình độc đáo. Bây giờ lên xuồng (đò) máy để về lại chỗ để xe. Có một nhà hàng ở ngoài khu vực nhưng mình thấy ai cũng vào nhà hàng bên trong ăn cho nó có không khí :))

Núi Cấm

Khoảng hơn 1 giờ rồi. Lúc ở rừng tràm mình có bị mắc mưa nhỏ một chút, quãng đường khoảng hơn 20 km. Đường đến núi Cấm thì cũng có mưa nhẹ. Tới đây thì trời ui ui lành lạnh do vừa tạnh mưa xong. Cũng may, nếu không thì nắng lắm đi núi cũng mệt. Nói về một chút thông tin nhỏ khi mình đến đây mới biết. Nếu như ở Núi Sam và nhiều núi khác đã từng đi qua thấy ít người ở trên núi, thì ở núi Cấm có tới mấy ấp luôn, người ở đông đúc, nhà nước đã cho kéo đường dây điện và xây đường nhựa lên núi đàng hoàng. Thời gian trước có cho phép xe du lịch các loại leo lên núi nhưng xảy ra tai nạn do không quen đường xá địa phương. Bây giờ chỉ xe máy, xe ô tô của dân trên núi được lên núi về nhà mình. Xe máy của dân phượt thì mình đoán cũng được. Nghe nói xe phải mạnh, thay sên đĩa thường xuyên và tay nghề lái cao để “bườn” lên núi. Còn lại phải đi cáp treo hoặc xe 16 chỗ của công ty đầu tư khu du lịch núi Cấm. Khu vực bán vé cáp treo ở khác khu vực bán vé xe du lịch 16 chỗ lên núi nhé. Dù là đi bằng phương tiện gì của công ty thì khách được đưa lên trung tâm núi Cấm. Tại đây có 3 chùa là chùa Phật Lớn và Vạn Linh. 2 ngôi chùa bao quanh một cái hồ rộng và đẹp tên là Thủy Liêm. Đi bộ vòng vòng tầm 2 km. Cánh xe ôm tính giá là 100k/người lớn, họ nói là gia đình  mình đi bộ không nổi đâu. Không biết trả giá thì có giảm được không. Thực ra là đi vòng hồ và ghé chùa cũng mất hơn nửa tiếng, đi cũng hơi nhiều vì không phải đường phẳng mà cứ lên xuống bậc thang do mình đang ở trên một cái núi mà. Nhưng đi nổi thì sẽ hay hơn để thưởng thức cảnh đẹp. Dọc đường từ ga đến cáp treo (kế đó là bến đến xe du lịch) đến chùa Phật Lớn có nhiều nhà sinh sống, họ bán đồ lưu niệm, đồ ăn vặt, thức uống, đặc sản, đồ ăn no như cơm, đặc biệt là bánh xèo rau rừng theo lời giới thiệu rất tốt cho sức khỏe “đọt bứa vị chua thanh có tác dụng hạ đàm, ngành ngành làm mát gan, kim thất có nhiều tinh dầu, bổ máu…”. Mùi bánh xèo thơm và các rổ rau rừng trông rất hấp dẫn, nhân có tôm, thịt, khoai môn, đậu phụ, giá đỗ và măng rừng. Vỏ thì giòn rụm, tan trong miệng, phần ở giữa hơi mềm hơn. Giá chỉ 20k/cái, không ăn là tiếc lắm lắm. Chùa nào cũng đẹp, to, với một số kiến trúc cổ xưa kết hợp các tòa xây mới, cao, to, hoành tráng, mái cong. Tượng phật đẹp, hai tượng phật nằm và tượng phật di lặc to là điểm nhấn của khu vực này. Tượng Phật Di Lặc cao 33,6 mét, được coi là pho tượng Di Lặc to lớn nhất Đông Nam Á, có thể chui bên trong tượng luôn nha. Tháp Cửu Trùng cao vòi vọi nằm giữa núi rừng. Tóm lại đi chùa, ngắm kiến trúc và hít thở không khí “rất đã”. Nhất là hồ Thủy Liêm, nó đẹp lắm nhé, bao la mênh mông, nước phẳng lặng. Các bức ảnh chùa và hồ vô cùng lung linh. Chú bảo vệ nói mình có thể ngủ lại chùa miễn phí, hoặc ở nhà dân có phí. Mình về tới cáp treo hơn 3 giờ. Cáp treo 4 giờ dừng, xe du lịch 6 giờ dừng.

Nói về xe ôm đưa khách đi thăm các điểm trên núi. Thật ra khắp ngọn núi cấm có rất nhiều địa điểm tâm linh mà mình không thể đi bằng cáp hay xe du lịch do công ty cung cấp. Nếu thuê xe ôm từ chân núi, chắc giá vài trăm nghìn, họ sẽ chở mình đi theo đường lên núi và dừng lại khắp các điểm trên núi Cấm ngoại trừ khu vực hồ Thủy Liêm. Nghe người dân nói còn có Vồ Bồ Hong thờ Ngọc Hoàng trên đỉnh núi, các vồ khác như vồ Đầu, vồ Bà, vồ Thiên Tuế và vồ Ông Bướm, và rất nhiều vồ khác, chùa cao đài, suối Thanh Long.

Long Xuyên

Còn 2 địa điểm nữa phải đi ở Khu vực này là Khu di tích đồ Tức Dụp và chợ biên giới Tịnh Biên nơi có thể mua đồ Thái và Campuchia. Vì đang dịch Covid nên biên giới đóng cửa, người dân nói hàng hóa đều là đồ Việt Nam. Với lại bọn mình muốn về ngủ và đi khám phá thành phố cũng như ẩm thực Long Xuyên nên không ngủ lại để đi Tức Dụp. Ở khu Bảy Núi không có khách sạn xịn, lần sau bọn mình sẽ khám phá 2 địa điểm này. Bạn nào có thời gian thì tìm nơi ngủ lại để ngày hôm sau tham quan Tức Dụp và chợ Tịnh Biên nhé.

Từ Bảy Núi đến thành phố Long Xuyên khoảng 70 km, chúng tôi đến đó vào khách sạn Hòa Bình 2 khá lớn với bãi đậu xe hơi rộng, khách sạn to và không quá nhiều tầng, có nhà hàng tiệc cưới, sân vườn rộng, khu vui chơi trẻ em nho nhỏ. Khách sạn của nhà nước, nên có nhiều cán bộ nhà nước ở. Phòng rộng và thoáng, giá chỉ 520k có ăn sáng gọi món trên Agoda. Khách sạn Hòa Bình 2 hơi cũ, còn Hòa Bình 1 có vẻ mới hơn thì giá gần 900k.

Hôm trước khi đi ngang Long Xuyên, tụi mình đã thấy thành phố khá lớn, các thương hiệu ở TPHCM hầu như đều có ở đây, cuộc sống nhộn nhịp, nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn, có Vincom, Coopmart. Cuộc sống về đêm tấp nập. Nếu như so với Sóc Trăng, Bến Tre hay Trà Vinh thì ít hoạt động về đêm, hàng quán khách sạn cũng ít lựa chọn. Mình viết vậy để bạn không bỏ lỡ một đêm ở đây để lượn vòng vòng và đi ăn nè. Có 2 lựa chọn cho bữa tối là lẩu và cơm tấm Long Xuyên. Tụi mình chạy vòng vòng tìm cơm tấm Cây Điệp nổi tiếng thì đã nghỉ, chắc bán sáng. Cơm tấm Hướng Dương đóng cửa luôn rồi. Còn các quán cơm tấm khác ở khắp nơi nhưng chắc đợi mai thử ở chỗ Cây Điệp. Lẩu bò Thu Thủy và lẩu trâu Kiều Thu được đồn đại là ngon “nhứt nách”. Tụi mình chạy vào một con đường nhỏ đến lẩu Kiều Thu. Có 2 quán cùng tên, một quán là quán cũ, khuất phía bên trong hẻm, là quán cũ do cha mẹ để lại, quán mới nằm phía ngoài, xây mấy lầu khang trang. Quán nào cũng đông, anh kia ra hỏi ăn quán nào, vì là 2 chị em tách ra bán riêng. Tụi mình vào quán phía ngoài tiện đậu xe. Ở đây đơn giản, một lẩu gồm nước lẩu, dĩa thịt trâu khoảng hơn 100 gram, ít rau giá 140k. Mì, phở, bún mua riêng. Cứ kêu thêm 1 dĩa thịt trâu nhúng lẩu thì 140k. Có thể chọn thịt nạc, hoặc phần thập cẩm gồm lòng, gân, nạc này nọ. Vì có con nhỏ tụi mình ăn thịt nạc. Khi nhúng lẩu xong thấy thịt trâu khá dai nên tụi mình không gọi thêm trâu nướng, giá cũng 140k luôn. Vì sao quán đông, mình nghĩ thứ nhất là vì nước lẩu siêu ngon. Thực ra không đoán được họ dùng gì để nấu luôn, chỉ thấy vị chua dịu dịu, ngọt cảm giác nấu từ xương thịt. Thứ hai là vì thịt trâu hơi lạ, đổi  món cho lạ miệng. Khi ăn thịt trâu mình thấy lạ, hơi dai, ăn được chứ không thể sánh với thịt bò mềm, thơm ngon. Định đi ăn lẩu bò luôn nữa đó mà thấy em bé hơi quậy. Bạn chớ bỏ lỡ quán này nha, uổng lắm đó. Sau khi ăn xong thì nhà mình đi siêu thị Vincom mua dưa lê và sữa chua bổ sung dưỡng chất, xơ và năng lượng. Nhân viên siêu thị nói ở đây Vincom miễn phí xe hơi dưới hầm chứ không phải như ở Sài Gòn đâu nha.

Ngày 3

Sáng sớm sang nhà hàng sân vườn ăn sáng. Quán rất đông, kể cả khách ở khách sạn và khách bên ngoài vào ăn. Trong menu có cơm tấm, hủ tiếu, bánh canh. Chúng tôi ăn cơm tấm Long Xuyên, đúng là ngon thật, ngon tới nỗi chắc khỏi mua cơm tấm Cây Điệp luôn. Cơm này có gì khác cơm tấm thịt nướng bì chả Sài Gòn vậy? Thịt thì họ làm xá xíu như kiểu thịt bánh mì, xắt thành sợi, hột vịt kho tàu (hay xá xíu) mà bên ngoài màu đỏ cam, cắt nhỏ mỏng hơi dày hơn thịt nhưng cũng giống như là sợi vậy. Ngoài dưa chua củ cải trắng và cà rốt, sẽ có dưa rau muống ăn ngon, giòn, chua, ngọt. Đặc biệt nước mắm kèo kẹo, ngọt ngọt mặn mặn vị rất vừa miệng. Cơm thêm có rải một ít trứng kho, dưa chua.

Lăng cụ Phó Bảng

Sau khi ăn xong thì hai bé chơi ở khu vui chơi một tí. Sau đó chúng tôi rời Long Xuyên khoảng hơn 8 giờ sáng. Bạn có thể tranh thủ đi vòng vòng thành phố, thăm Bảo Tàng tỉnh An Giang, chợ Long Xuyên. Chúng mình đi ngang Đồng Tháp lúc giữa trưa có ghé qua mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, chỗ mà đợt đi Đồng Tháp trước bị bỏ qua. Sẵn đây nói sơ một tí. Khu này rộng lắm, có vườn cây, cỏ, hồ sen, tiểu cảnh, nhiều khu nhà để trưng bày về cuộc đời cụ PHó Bảng và lịch sử, một vài túp nhà tái hiện kiến trúc xưa, mấy túp nhà cho khách ngủ lại trải nghiệm. Các cô hướng dẫn viên mặc áo dài đồng phục ai cũng xinh ơi là xinh, đang ngồi tán chuyện. Thường thì khu này đông khách, nhất là các cô chú lớn tuổi, hay đoàn cán bộ, đoàn học sinh sinh viên. Tất cả đều miễn phí nha. Chạy tiếp nữa là đến khu đồng sen bạn có thể ghé chụp hình, mua sen các loại nhưng do buổi trưa em bé đang ngủ, chúng tôi đi tiếp luôn.

Trên đường về mình có ghé qua nhà ở Tiền Giang nghỉ trưa và ăn trước khi quay lại TPHCM.

Chi phí du lịch An Giang – Kinh nghiệm du lịch An Giang

  • Xăng xe ô tô: 700.000 VNĐ.
  • Khách sạn:
    • 1 đêm ở khách sạn Trung Nguyễn 300.000 VNĐ.
    • 1 đêm ở khách sạn Kỳ Hòa 2 520.000 VNĐ.
  • Gởi xe ở núi Sam: 50.000 VNĐ (siêu mắc :))
  • Phí cầu đường: không có.
  • Tiền ăn:
    • Bún cá cho buổi tối đầu tiên: 30.000 VND x 2 tô = 60.000 VNĐ.
    • Bánh mì ăn sáng buổi tối thứ 2: 15.000 VNĐ x 2 ổ = 30.000 VNĐ.
    • Ăn trưa ngày 2 tại nhà hàng Trà Sư rừng tràm: 160.000 VNĐ/lẩu cá hú.
    • Ăn xế bánh xèo: 20.000 VNĐ/cái.
    • Ăn tối ngày 2 tại Lẩu trâu Kiều Thu: 140.000 VNĐ/lẩu.
    • Siêu thị Coopmart Châu Đốc: chuối 30.000 VNĐ (bổ sung vitamin và xơ).
    • Siêu thị Coopmart Long Xuyên: dưa lưới 100.000 VNĐ.
  • Thuyền đi Làng Nổi Châu Đốc, Làng Chăm Châu Giang: 300.000 VNĐ/thuyền.
  • Vé cáp treo núi Cấm: 180.000 VNĐ/người lớn x 2 người = 360.000 VNĐ.
  • Vé rừng tràm Trà Sư (vé tham quan bắt buộc 100.000 VNĐ + vé xuồng 50.000 VNĐ) x 2 người = 300.000 VNĐ.

Tổng cộng 3.000.000 VNĐ -> có phải là quá rẻ hôn :))

Trên đây là Kinh nghiệm du lịch An Giang 3 ngày 2 đêm của mình, cũng gọn gàng mà tham quan hầu hết các điểm chính ở An Giang rồi. Chúc bạn có chuyến đi vui vẻ và có nhiều kỷ niệm đẹp ở một tỉnh có nhiều thứ để xem, cảm nhận và học hỏi. Thêm nữa, do lần đầu đi An Giang nên mình thấy khung cảnh ven đường đẹp lạ lùng, xanh xanh ruộng lúa, cây thốt nốt duyên dáng cong cong tấm thân, lá thì xòe ra vừa ẻo lả vừa mạnh mẽ. Khi đến vùng núi, bạn sẽ thấy núi thấp thoáng xa xa, đặc biệt các ngọn núi trong khu vực Bảy Núi trông thật hùng vĩ. Mây trắng lãng đãng trên đỉnh núi phủ xanh bởi rừng dễ làm cho con người ta say lòng. Hẹn gặp lại vùng đất của núi, của chùa miếu, đặc sản và các món ăn ngon.

Rate this post

Leave a Reply