Kinh nghiệm phượt Bắc Nam – Phần 5: Vinh Ninh Bình

Tóm tắt nhanh Kinh nghiệm phượt Bắc Nam – Phần 5: Vinh Ninh Bình

  • 35k trạm.
  • 210k xe điện chùa Bái Đính.
  • 415k ăn dê Lê Ưu.
  • 35k phở đêm.
  • 380k khách sạn La Paloma, 23 Hẻm 197 Đinh Tiên Hoàng, Đông Thành, Ninh Bình, 3 sao.
  • 10k nước uống 1.5 lít.

Các bạn có thể đọc thêm:

Chi tiết đầy đủ Hành trình Bắc Nam vào cuối tháng 7 năm 2020

Đọc chi tiết Kinh nghiệm phượt Bắc Nam – Phần 4: Huế – Vinh

Tụi mình lên đường đi Ninh Bình sớm, nên tới nơi thì vào giữa trưa. Đường đi rất đẹp, non xanh nước biếc như tranh họa đồ luôn nhé. Điểm đến đầu tiên là Tam Cốc – Bích Động. Đường đi vào được làm rộng, hiện đại, hai bên đường có nhà dân và một vài khách sạn, nhà hàng. Khi vào đến bến thuyền thì mới thấy không khí khá nhộn nhịp. Quầy bán vé, khu đậu xe, quán xá, homestay, người làm du lịch khá đông. Các cô các anh là cò sẽ mời mình vào nhà hàng, quán ăn, bãi đỗ xe để lấy một ít tiền. Giá vé thuyền tham quan là khoảng 150k/người đi trong 2 tiếng.

Bến thuyền đẹp tuyệt vời, nước màu xanh ngọc bích, với hàng trăm chiếc thuyền gỗ đủ màu đậu san sát. Các cô lái đò người địa phương ngồi nghỉ trên thuyền hoặc dưới bóng cây tán chuyện trong lúc chờ khách. Trời giữa trưa khá nắng, có lác đác vài khách lên thuyền, mấy đoàn khách về. Các cô xung quanh nói là có thể thuê dù to 30k che được nguyên nhà. Do vừa ngồi xe mấy tiếng, các con dễ cảm nắng, và thấy khó có thể thưởng thức cảnh đẹp dưới ánh nắng mặt trời chói chang, mình quyết định không đi mà để dành cho hôm sau. Thêm nữa, ở đây vào mùa lúa chín sẽ đẹp hơn thời điểm mình đi. Cả nhà bày đồ ăn ra dưới gốc cây ăn rồi lên đường qua chùa Bái Đính ở gần đó.

Tam Cốc Ninh Bình

Tam Cốc Ninh Bình.

Đường qua chùa cũng được làm khá đẹp, hai bên là cây xanh, thấp thoáng đồi núi. Đến khu vực này sẽ thấy biển chỉ đường lên Hang Múa, Tuyệt Tình Cốc, đường vào các nhà hàng, vài quầy bán thịt dê. Lần đầu đi chùa Bái Đính, thấy hơi bị rối. Sau này về đọc thì thấy đúng như trên TripAdvisor nhiều khách nước ngoài có chia sẻ là “confusing”. Kiểu ở đây làm phức tạp hóa vấn đề để thu tiền. Mình viết ở đây thì cảm thấy hơi có lỗi vì suy nghĩ không tốt về nơi tâm linh có tầm. Nhưng vẫn muốn viết ra. Xe chạy vào cổng lớn là có bảo vệ ra lấy tiền đậu xe rồi đưa vé, bảo vào đó có người hướng dẫn chỗ đậu. Sau đó chạy được một đoạn thì có người đàn ông ăn mặc bình thường dẫn vào đậu xe ở một nơi nào đó. Tụi mình đậu xe theo anh ta xong, anh ta nói là đậu ở quầy hàng của họ, miễn phí tiền đậu, khi ra về nhớ mua quà ủng hộ. Từ chỗ quầy hàng đó đi bộ vào quầy bán vé rất xa, các con mình bị nắng tan nát luôn. Lúc về rồi mình mới biết có rất nhiều quầy lưu niệm tại đây, chắc do lượng khách đông. Thực ra đậu xe ở đâu cũng được, mình tìm chỗ đậu gần nơi bán vé thì khỏe rồi. Mình thấy không có cảm tình với cái chùa gì mà cho người kinh doanh vào, kiếm ăn đủ loại chiêu trò. Thì thực sự là chùa thì không được thu phí, họ phải kiếm cách để thu tiền.

Tiếp theo là tới cái quầy vé. Vô tới đó không ai hướng dẫn (tất nhiên rồi, đâu phải khu du lịch đâu, ai mà phục vụ mình). Có một quầy của công ty du lịch, có nhiều cô hướng dẫn xinh đẹp, giới thiệu tour 500k của họ, nghe có vẻ hấp dẫn. Sau này về đọc thì trên mạng nói cái tour này cần gì đi, mình tự đi chùa thôi chứ có gì cần người dẫn đi. Vậy mà có mấy cô chú cũng chịu đi tour. Tuy nhiên, mình nghĩ ai có tiền thì đi cũng tốt, có người dẫn đường, có người cung cấp thông tin.

Cái việc tiếp theo mà mình thấy vô lý là phải mua vé xe điện mấy chục nghìn để đi đến cổng chùa mới hoặc chùa cũ. Từ cổng này mình sẽ đi bộ. Họ cố tình không làm bãi đậu xe ở gần các cổng để bán xe điện các bạn ơi. Ngồi trên xe mình có nói mà chồng mình ra dấu im lặng cho lịch sự. Nói chung tiền thì không đáng nhưng mình không thích cách như thế. Này gọi là kinh doanh lộ liễu, và làm mất thời gian của khách tham quan. Thôi thì thu phí cho rồi, chứ không thu phí mà sinh ra cái xe điện.

Mình xin tóm lại cái cách để đi chùa đơn giản là:

  • Từ khu bán vé, đi xe điện đến cổng chùa mới. Đi bộ lên cầu thang (nghĩa là leo núi), tham quan hành lang La Hán dài nhất thế giới, các chùa và tượng phật trên đường đi. Khi lên đến hết khu chùa mới, sẽ gặp khách sạn, nhà hàng Bái Đính. Tại khu vực này có bảng chỉ dẫn mình đến chân núi khác, từ chân núi này leo hơn 200 bậc là đến chùa Bái Đính cũ. Xem xong chùa cũ, mình đi bộ xuống bậc thang để đến chân núi, nơi có Giếng Ngọc, cũng là trạm xe điện. Lên xe điện về khu vực bán vé.
  • Từ khu bán vé, đi xe điện đến trạm Giếng Ngọc, đi bộ lên chùa cũ. Sau đó đi bộ xuống và đi ngang để sang khu vực chùa mới. Từ đây mình chỉ việc đi bộ xuống theo hành lang La Hán, dọc đường ghé các chùa và xem các tượng phật to đẹp nổi tiếng.

Mình không biết nên theo đoàn tour du lịch của Viettravel đi cách số 1. Các đoàn thế này chỉ đi một đoạn, tham quan chùa mới, bỏ qua chùa cũ. Còn mình thì leo thêm một đoạn cao, đi ngang, rồi leo lên đến chùa cũ luôn. Nói chung mình thấy đi tour thì không xem hết được chùa. Sau khi đi xong, mới thấy rằng nếu xem hai chùa thì nên đi cách thứ hai.

Nói về chùa này, mình xin dùng các từ sau: hoành tráng, lộng lẫy, đẹp, xanh, mát, đáng để đi, không thể bỏ qua ở Ninh Bình. Từ nhỏ tới giờ chưa đi cái chùa nào mà nó lớn như vầy luôn ấy. Đi mà hai chân muốn rã rời luôn, mà đi tới đâu thấy đẹp tới đó. Vừa đi mà gió thổi mát lạnh, mùi của núi rừng thơm thơm, mùi của gỗ nồng nàn. Người tham quan luôn đi ở trong hành lang nên không bị nắng tí nào. Hành lang La Hán rất hoành tráng nhé bạn, các tượng đều tinh xảo, lên hình cũng khá đẹp. Các bé nhà mình cứ hỏi tên từng La Hán, trả lời thiệt riết rồi hết nổi luôn.

Các chùa trên đường đi khá lớn. Vật liệu toàn đồ xịn, đắt tiền như gỗ nguyên khối, đá, vàng thật. Nhiều tượng phật cao to vô cùng, đến nỗi như lần đầu mình nhìn thấy tượng to như vậy luôn ấy. Đường nét làm cực kỳ tinh xảo, được mạ vàng lung linh. Các bạn tra cứu thêm thông tin về các tượng này nhé.

Hành lang La Hán chùa Bái Đính

Hành lang La Hán chùa Bái Đính.

Chùa cổ Bái Đính cổ

Chùa cổ Bái Đính cổ.

Tuy nhiên, mình cảm thấy cái hồn thật sự của chùa nằm ở chùa Bái Đính cũ, nằm khiêm tốn ở lưng chừng núi. Có Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Đền thờ Tổ Sư. Bên trong động làm mình có chút “sởn da gà” vì vào bên trong mát lạnh, tranh sáng tranh tối, không khí trang nghiêm. Trong động có giếng, có cá sống trong đó được, thạch nhũ khá đẹp. Ở đây tuy nhỏ nhưng có hồn hơn các chùa lớn còn lại. Lên đây mới thực sự là đi Bái Đính, theo cảm nhận của mình là vậy.

Kết lại thì đi chùa Bái Đính là một trải nghiệm tuyệt vời, khiến mình trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Giờ thì cả gia đình chạy xe “tèn tèn” (từ từ) tìm chỗ ngủ. Mình đòi ngủ lại Tràng An, mai đi luôn nhưng chồng mình đòi vào trung tâm Ninh Bình ngủ cho vui. Đường vào thành phố rộng thênh thanh, cảnh đẹp. Thành phố khá nhỏ, chạy một vòng là hết hà. Lựa chọn nơi ở không nhiều, mà lại khá đắt. Nên tụi mình ở khách sạn La Paloma, của tư nhân, chủ làm tiếp tân luôn, giá 380k. Phòng cũng được, không có gì đặc biệc, khá sạch sẽ, nội thất mới.

Sau khi vào khách sạn thì tụi mình kiếm chỗ ăn. Thật sự là đói rã rời luôn rồi. May có người bạn thân quê ở Ninh Bình, bạn chỉ ra Dê Lê Ưu ăn tối, cách trung tâm vài km. Bạn nói ở trong thành phố ăn không ngon bằng. Quán này khá bình dân, mình thấy chủ yếu là bỏ sỉ lẻ thịt tươi, bán mâm làm cỗ, khách đến ăn cũng lưa thưa. Nghe nói chỗ này mấy chục năm làm dê rồi. Mà thật, lát sau ăn không có mùi dê luôn. Bạn dặn ăn dê tái chanh, lẩu dê, chạo dê. Do hôm trước ăn lẩu dê ở Quảng Ngãi rồi, dê tái chanh thì bé ăn không được. Nên tụi mình kêu cháo dê, dê nướng, chạo dê. Cháo ngon lắm, các bé ăn rất thích. Còn 2 món còn lại đều ngon. Ở đây họ cắt thịt dê to, cục vuông. Mình lại thích mỏng mỏng dễ ăn. Các loại rau dưa dọn kèm thì mình thích trái sung muối chua, khá lạ miệng. Cái nước sốt chấm thì kiểu đặc trưng ở đây hay sao ấy. Ngon nha! Quá tuyệt vời. Tụi mình định hôm sau đi ăn nữa tại vì no quá không ăn được cơm cháy.

Thịt dê Lê Ưu

Thịt dê Lê Ưu.

Rau dưa ăn kèm thịt dê

Rau dưa ăn kèm thịt dê.

Cháo dê

Cháo dê.

Sau đó tụi mình còn đến thăm nhà người bạn thân. Hai ông bà rất vui tính, hiếu khách. Làng quê Ninh Bình mỗi nhà có mảnh đất nho nhỏ đủ để xây nhà, trồng ít cây ăn quả và rau. Mỗi nhà được phát thêm sào ruộng làm nông. Đường đi trong thôn hẹp vừa đủ ô tô chạy.

Sáng sớm thì khách sạn cho ăn bún mọc, đơn giản nhưng mình thấy sạch sẽ. Trà, cà phê miễn phí. Buổi sáng nhẹ nhàng như thế. Tụi mình trả phòng rồi ra Tràng An sớm vì nắng quá thưởng thức cảnh đẹp không được hoàn toàn thoải mái.

Đọc tiếp Kinh nghiệm phượt Bắc Nam – Phần 6: Ninh Bình Hạ Long

Rate this post

Leave a Reply