Kinh nghiệm du lịch Trà Vinh

Mình vừa trở về từ Trà Vinh. Nơi đây có gì nè, có thể chơi gì ăn gì và đi bao lâu? Chỉ cần 2 ngày 1 đêm là có thể quét sạch Trà Vinh thôi nha, điểm mình thích nhất ở đây là sự yên bình, không ồn ào náo nhiệt như tại một số thành phố du lịch khác. Sau đây là chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Trà Vinh của gia đình 2 vợ chồng, 1 bé 5 tuổi, 1 bé 2 tuổi.

Đường đi đến Trà Vinh và đồ ăn ngon bán dọc đường

Từ TPHCM đến trung tâm thành phố Trà Vinh chỉ có 120 km nên nhà mình cũng khá thảnh thơi. Sáng sớm nấu cơm mang theo để cho các con ăn rau và cá cũng như cơm đảm bảo vệ sinh. Các con ăn sáng rồi đi cũng chưa muộn gì. Đường trống nên hơn 2 tiếng là đến nơi. Thật may là đường xá ở đây vào năm 2020 đã được làm mới, cầu Trà Vinh xây thay cho bến phà Trà Vinh, đi lại thuận tiện cực kỳ. Mình chỉ đóng phí cầu 35k thôi.

Quãng đường qua cao tốc Sài Gòn – Trung Lương thì quá quen thuộc rồi, nhưng đến địa phận huyện Mỏ Cày Nam – Mỏ Cày Bắc, Bến Tre trên đường đi thì mình mới đi lần đầu nên khá là thích thú. Khu vực này toàn dừa là dừa, xen kẽ có đồng lúa và cây ăn trái. Dọc hai bên đường là cây cối xanh xanh cộng với màu đất nâu đỏ và các con kênh, con sông đẹp mênh mang. Trên đường người ta bán sầu riêng chín vàng ruộm mà giá chỉ có 45k/kí thôi (giá ở siêu thị Sài Gòn là 65k – 95k), chắc là do ở ngay miệt trồng sầu riêng rồi. Có 2 tiệm bán gà, chim bồ câu, chim, cò các loại. Bạn nào thích ăn các loại này có thể ghé mua nè.

Đi sang địa phận tỉnh Trà Vinh cũng không thấy khác mấy. Nói chung ở Trà Vinh, đất cũng tốt để trồng dừa, trái cây và lúa như Bến Tre. Cầu Trà Vinh hiện đại và những tuyến đường nhựa láng làm cho vùng đất này hiện đại hơn nhiều năm về trước như mình xem qua truyền hình và Youtube. Còn khoảng 10 km nữa là đến trung tâm thành phố thì dọc đường người ta bán dừa sáp, bánh tét Trà Cuôn – đặc sản nổi tiếng. Mấy cái này lúc trên đường về bọn mình mới ghé mua. Về lấy cùi dừa sáp ra quậy với đường sữa nước ăn beo béo, dẻo dẻo, mềm mềm, dai dai và là lạ. Bánh tét Trà Cuôn thì có điểm khác với bánh tét ở Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh là phần nhân mặn rất chất lượng với trứng muối và thịt, một ít mỡ, lớp vỏ có màu xanh, cam, tím do trộn nếp với lá dứa, gấc, lá cẩm. Sự kết hợp giữa hình thức bắt mắt khi cắt ra từng khoanh cộng với mùi vị tuyệt hảo độc đáo làm cho món này trở thành các món hay mua làm quà khi tới Trà Vinh. Sẵn nói về đặc sản, bạn đừng quên ghé mua Chả Hoa Năm Thụy ở gần chợ Trà Vinh nha, cũng có phần giữa độc đáo làm cho chả này khác với chả lụa thường Việt Nam.

Ao Bà Om, chùa Âng và Bảo tàng Khmer

Đi xa quá rồi nhỉ, mình lại nói lan man về đồ ăn nữa rồi. Bạn thông cảm nhé vì mình rất yêu ẩm thực <3 Giờ thì quay về câu chuyện chơi gì ở Trà Vinh nha. Có một biển đề đường đến Ao Bà Om khi đang trên đường vào sâu trong thành phố. Chỗ này cách trung tâm 5 km. Quẹo vào, chạy thêm tí xíu thì mình thấy có nhà nghỉ, hàng rong, quầy đặc sản, quán nước, đồ ăn và nhiều xe đậu phía trước một rừng cây gỗ thân to tán cao. Chắc hẳn đây là hàng cây nổi tiếng xung quanh Ao Bà Om đây mà. Đi lên dốc sẽ đến gốc cây nổi trên mặt đất với nhiều hình thù kỳ lạ nơi mà ai ai cũng muốn chụp hình check in hết. Chụp với gốc cây cũng đẹp mà chụp với cái ao to đùng phía sau cũng đẹp luôn. Ao to lắm luôn ấy, mặt nước phẳng lặng, trong xanh. Nếu đi vào mùa sen thì sẽ ngắm sen trên mặt ao nữa. Không biết tả sao nhưng mà mình hiểu tại sao cái ao này nổi tiếng như vậy. Đất xung quanh ao có màu đỏ cam đậm, khá nhuyễn, tơi xốp, người ta có thể chạy xe máy vòng quanh ao. Có nhiều thợ chụp ảnh treo hoa giả lên xích đu và ghế dựa sắt và chụp ảnh cho khách với một mức giá nhất định. Khách cũng ít vì thời này ai cũng có điện thoại thông minh.

Bên sát ao là chùa Âng và bảo tàng Khmer Trà Vinh. Mình đi qua bảo tàng trước trong khi chờ anh chồng đánh xe đậu qua bên chùa. Bảo tàng có kiến trúc lạ, mái theo kiểu Khmer, có 3 tầng, khá rộng rãi và trưng bày đầy đủ về văn hóa của người Khmer. Tầng dưới là một hồ nước to nên tòa nhà luôn mát mẻ.

Chùa Âng là một trong những chùa cổ nổi tiếng nhất ở Trà Vinh, nghe là tồn tại từ năm 990. Chùa này được ưu ái chọn là nơi tổ chức nhiều lễ hội văn hóa lớn của người Khmer. Khuôn viên rộng khoảng 4 ha, có nhà xe, 2 hồ ở 2 bên, chùa chính và các khu nhà ở, khu giảng đạo ở xung quanh. Cũng như nhiều chùa Khmer khác, mình thấy các trang trí hình rắn, chim thần, mái chùa cong vút ở khu chùa này. Bên trong chánh điện huyền bí, thờ đơn giản hơn các chùa theo Bắc Tông. Các sư đang ngồi nghe thầy giảng trong một nhà phía sau. Âm thanh bằng tiếng Khmer thông qua loa vang khắp khuôn viên chùa, tiếng thầy trong trẻo, mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng ẩn chứa sự nhân từ.

Chùa Âng Trà Vinh

Cổng Chùa Âng.

Chùa Âng

Chùa Âng.

nghe thầy giảng chùa Âng

Nghe thầy giảng chùa Âng.

Bảo tàng Khmer Trà Vinh

Bảo tàng Khmer Trà Vinh.

Ăn trưa cà ri dê

Chúng tôi rời chùa lúc giữa trưa. Buổi trưa mà toàn khu vực này vẫn rất mát nhờ cây cối và ao điều tiết nhiệt độ. Chúng mình ghé siêu thị Go! để nghỉ ngơi và cho các bé ăn trưa với cơm đem theo. Còn ba mẹ thì đi ăn cơm cả ri Ja cho biết. Cà ri gà thì hơi bình thường, mình chọn cà ri dê. Nước hầm có màu hấp dẫn, mùi thịt dê không tanh mà thơm lắm nha. Ở khắp Trà Vinh, nhiều quán cơm cà ri lắm. Quán cà ri Ja, bạn tra trên Google Maps là “cari Ja” nhé. Ngoài ra còn có bún nước lèo cũng là món ăn nên thử ở Trà Vinh. Do đã ăn ở Sóc Trăng, mình để bụng ăn cái khác. Do có đi dạo các con đường ẩm thực thì thấy có một số món từ vùng miền khác sau phổ biến ở Trà Vinh: cơm tấm Sài Gòn, bún đậu mắm tôm (thấy quán 3 Hiền đông khách, có ô tô). Cơm cà ri và cơm tấm thì không có quán sang nhé.

Vào khách sạn

Sau khi ăn xong thi tụi mình về khách sạn nghỉ ngơi. Tra trên OTA thì lựa chọn không nhiều, các khách sạn lớn thì chỉ thấy Thanh Trà ngay sát chợ hay Cửu Long, Hoàn Mỹ. Chúng mình chọn Cửu Long, vào thấy có nhiều ô tô đậu thì nghĩ cũng yên tâm về chất lượng.  Khách sạn 3 sao có vẻ rộng rãi, nhân viên cũng chuyên nghiệp, hành lang, sàn phòng lót thảm, có bồn tắm, đồ gỗ thật. Đồ có cũ chút xĩu nhưng phòng rộng, mọi thứ ổn lắm. Giá 600k bao gồm buffet sáng. Lát nữa sẽ đề cập đến điểm cộng này sau nhé.

Khu du lịch sinh thái Deja Vu Huỳnh Kha

Tụi mình nghỉ ngơi tắm rửa xong thì đi lượn qua khu du lịch sinh thái Deja Vu Huỳnh Kha khá nổi tiếng về cảnh đẹp, có quán cafe, nhà hàng, nhà hàng tiệc cưới, các trò chơi, hoạt động khám phá. Nhìn từ bên ngoài rất hoành tráng nha. Nơi này miễn phí và có nhiều cái để chơi, xem, thư giãn.

Ăn tối – ẩm thực đêm

Rồi cũng đến giờ ăn tối, tụi mình tra danh sách nhà hàng và quán nổi tiếng. Có nhà hàng La Vang phục vụ khách đoàn chuyên nghiệp, nhìn thực đơn khá đắt, khoảng 70k đến 200k/món với đủ loại món từ đặc sản Trà Vinh, vùng miền, hải sản, nướng… Nhà hàng bò Lưu Luyến, hàng loạt nhà hàng hải sản như 779, Rạn Biển, Hùng Biển. Tiếp tân chỉ chúng tôi đến khu ẩm thực cách khách sạn vài trăm mét, đó là đường Trần Phú nối dài. Bạn có thể tra hải sản Hùng Biển – một trong những nhà hàng nổi tiếng về hải sản tại thành phố. Khi chạy đến nơi đây, quán ăn san sát với đủ lựa chọn từ quán chuyên dê, bò, bê, hải sản, cơm tấm, nướng, lẩu. Cái nào cũng đáng ăn hết nè, tụi mình hay dùng kiểu này khi quán nào cũng muốn ăn, là coi quán nào đông nhất thì vô. Đó là Hùng Biển và buffet anh Bốn. Hùng Biển thì rộng, thu hút bởi không ít hơn 20 hồ hải sản sống cho khách lựa chọn. Bên Anh Bốn thì đông lắm và giá 140k/người lớn nên tụi mình quyết định vào ăn. Các món ngon của buffet bao gồm hột vịt rang me, sò lông rang me, móng tay xào sa tế, mực tươi và tôm tươi sống trong bể, chè bắp. Ngoài ra còn đủ loại từ sushi, các món gà cá chiên bột, chả giò, rau, thịt bò cuộn nấm kim châm, các loại cá, thịt, gà, hải sản nhúng lẩu và nướng, gỏi xoài, ngó sen, nộm xà lách. Tụi mình ăn tới muốn xĩu luôn, đặc biệt ăn tôm nướng đã đời luôn ha, và hầu như không ăn nổi lẩu :))

Ăn sáng buffet trong ngôi nhà lợp lá siêu to

Nhà hàng của khách sạn Cửu Long rất to và được đầu tư đúng mức, rộng, cao, lợp lá, kèo gỗ, có sân khấu, trừ lúc buffet phục vụ các loại đặc sản cá, tôm hùm. Buffet cũng ổn so với mức giá 600k/2 người/1 phòng. Mình thích nhất món bánh đúc, sữa đậu nành và bánh canh gà (gà thả vườn đàng hoàng nha).

Chợ Trà Vinh, bún Suôn

Sau đó chúng tôi nghỉ ngơi trong khách sạn, lượn chợ Trà Vinh, mua Chả Hoa Năm Thụy về làm quà cho ba mẹ. Buổi trưa chúng tôi ghé ăn bún Suông Hùi Yến ngay sát chợ. Món này gồm có sợi bún to, nước lèo trong, mình có thể chọn loại topping như giò heo, da heo, mực khô, huyết, đặc biệt là mấy cọng “suông” y như con giun dài dài, dày dày, tròn, màu cam nhạt, làm từ tôm và bột. Nước chấm y hệt nước chấm gỏi cuốn, mình thích lắm.

Chùa Hang

Trên đường về, chúng tôi ghé qua chùa Hang. Thật ra chùa này nằm ở cách trung tâm khoảng 5 km, có một cái cổng to xây bằng gạch tô màu hồng, nhìn giống cái hang nên gọi vậy. Vào bên trong thấy khuôn viên chùa rộng lắm. Cây cao vút nên rất mát. Điều làm mình ấn tượng là trông cái rừng cây nhỏ trong khuôn viên chùa như một khu tràm chim thu nhỏ. Nhiều chim lắm, tiếng chim vang một góc trời, làm lòng người thư thái, yên bình, dạng như đất lành chim đậu. Ngôi chùa chính rất cao, phải leo mấy bậc thang mới lên tới chánh điện, bên trong thờ phật. Các dãy nhà bên ngoài cũng có thờ phật, có dãy dành cho nhà tu sinh hoạt. Cổng màu hồng nhìn khá nhỏ nên tụi mình không dám chạy xe vào. Còn một cổng kia lớn hơn thì xe ô tô vào dễ hơn.

Vậy là trên đường về mua thêm dừa sáp và sầu riêng nữa là làm nên chuyến du lịch hoàn hảo. Đi nhẹ mà khỏe và vui lắm nha.

Note: Trên đây là Kinh nghiệm du lịch Trà Vinh của gia đình nhỏ của mình. Nếu bạn có thời gian hãy đi thêm chùa Cò và chùa Vàm Rai (Vàm Rây) nha. Tại vị khu vực này ở cách trung tâm về phía biển khoảng 40 km, chạy đi và về là 80 km nên mình sợ hai bé mệt. Ở trên đường đi có vài quán ven đường bán bánh canh Bến Có nghe cũng nổi tiếng. Chắc là phải tới vùng Bến Có mới thưởng thức được. Đó là những thứ mình khuyên bạn nào sắp xếp được thì trải nghiệm luôn nha. Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ nhé.

Chi phí du lịch Trà Vinh

Ăn trưa cơm cà ri: 50k/phần x 2 phần = 100k.

Ăn tối 140k/người x 2 người = 280k.

Khách sạn 600k.

Bún suông 35k/tô x 2 tô = 70k.

Xăng: 300k (dịp Covid xăng rẻ).

Phí qua cầu: 35k x 2 lần = 70k.

Tổng cộng: 1,4 triệu.

Ngoài ra mua đặc sản dừa sáp 30k/trái, chả hoa Năm Thụy 110k/đòn, 110k/trái sầu riêng 2.5 kg, bánh tét Trà Cuôn 50k/đòn. Tổng cộng hết 270k.

Nếu tính mua đặc sản luôn thì mình tiêu khoảng 1.670k. Chưa đầy 2 triệu cho một chuyến đi tuyệt vời con cú mèo.

Rate this post

Leave a Reply